Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine với hàm ý cho rằng Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ sự gián đoạn của thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen, Việt Nam hôm 3/11 cho biết nước này sản xuất “đủ gạo, thịt” cho nhu cầu trong nước và rằng việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”.
Hôm 29/10, Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Ivanovych Kuleba viết trên Twitter rằng sau khi rút khỏi thỏa thuận Biển Đen, Nga đang chặn hai triệu tấn ngũ cốc dành cho các nước kém phát triển, trong đó có Việt Nam: “Moscow hứa cấp miễn phí 500 nghìn tấn ngũ cốc (nhiều khả năng bị đánh cắp từ Ukraine) cho các nước khác trong 4 tháng tới. Nhưng bằng cách phá hỏng hành lang ngũ cốc, Nga chặn 2 triệu (!) tấn ngũ cốc cho Algeria, Yemen, Việt Nam, Bangladesh và những nước khác vào lúc này”.
Cũng hôm 29/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo chấm dứt sự tham gia của Nga vào sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận về xuất khẩu lương thực của Ukraine từ các cảng Biển Đen. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Patrushev cho biết Moscow sẵn sàng cung cấp miễn phí 500.000 tấn ngũ cốc cho các “nước nghèo” trong 4 tháng tới.
XEM THÊM: Nga sẽ nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ UkraineNgười phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết tại cuộc họp báo hôm 3/11: “Cần phải khẳng định là chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước”.
“Theo thống kê, Việt Nam sản xuất được 41 - 43 triệu tấn lúa gạo và 6,5 triệu tấn thịt các loại, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước”, báo Tuổi Trẻ Online dẫn lời bà Hằng nói.
Bà Hằng cho biết thêm rằng với vai trò là một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới, Việt Nam cũng có “đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung về các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu”.
“Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và mong các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm vào xử lý vấn đề này”, bà Hằng cho biết thêm.
XEM THÊM: Nguồn cung lương thực thế giới bị đe dọa khi Nga rút khỏi thỏa thuận Biển ĐenTheo thống kê từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt khoảng 82,1 tỷ đôla, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, một chuyên gia quân sự và quan hệ quốc tế, hôm 2/11 nói trên trang Sputnik rằng “Việt Nam không vì thiếu lúa mỳ mà chết đói”, đồng thời cho biết thêm rằng từ hơn 20 năm nay, Việt Nam đã hoàn toàn tự chủ về nguồn cung lương thực trong nước và có dự trữ quốc gia đáng kể phòng chống thảm họa tự nhiên.
Nga hôm thứ Tư 2/11 đã tham gia thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trở lại sau 4 ngày đình chỉ. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 19 tháng 11 và Moscow đã nói rõ rằng họ muốn làm nhiều hơn nữa để đảm bảo có thể xuất khẩu lượng lương thực và phân bón khổng lồ của Nga bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây.