Tổng giám đốc hãng hàng không quốc gia của Việt Nam nói trong đại hội cổ đông mới đây rằng Vietnam Airlines đang có đề án khai thác máy bay C919 của Trung Quốc trong bối cảnh hãng thiếu hụt máy bay trầm trọng, các trang tin SOHA, CafeF và Cafebiz đưa tin hôm 27/6.
Tin cho hay ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc (TGĐ) Vietnam Airlines, nói tại đại hội cổ đông hôm 21/6 rằng không chỉ riêng hãng ông mà cả nhiều hãng khác trên thế giới cũng thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đang gặp rắc rối trong khi cũng xảy ra việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney lắp trên một số loại máy bay của hãng châu Âu Airbus.
SOHA, CafeF và Cafebiz dẫn lời TGĐ Hà nói rằng Vietnam Airlines có 11 máy bay bị triệu hồi động cơ, dự kiến cuối năm sẽ dừng tiếp 6 chiếc. Ngoài ra, một số động cơ lắp trên các máy bay Boeing cũng phải đem đi sửa chữa dẫn đến tổng lượng máy bay cung ứng giảm khoảng 20%.
Đại hội cổ đông của Vietnam Airlines diễn ra giữa lúc hãng đang thua lỗ và nợ nần chồng chất. Riêng năm 2023, Vietnam Airlines lỗ 4.789 tỷ đồng, trong 4 năm gần đây, hãng lỗ tổng cộng hơn 32.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hãng nợ 58.000 tỷ đồng.
Theo tường thuật của SOHA, CafeF và Cafebiz, Vietnam Airlines đưa ra 2 giải pháp về vấn đề thiếu máy bay. Thứ nhất, hãng đã bàn bạc với Pratt & Whitney về động cơ dự phòng và thúc đẩy việc sửa chữa các động cơ bị ảnh hưởng. Đồng thời, Vietnam Airlines giảm hoạt động ở một số chặng không hiệu quả để ưu tiên cho các chặng bay chính.
Số giờ bay của đội bay trong hãng tăng từ 15-20%, phần nào bù đắp cho việc thiếu máy bay. Hãng cũng lùi lại kế hoạch đổi mới dàn máy bay, cụ thể là tạm hoãn việc việc bán 6 máy bay A321CEO.
Trong giải pháp thứ hai, Vietnam Airlines đang xem xét loại máy bay C919 mà Trung Quốc mới quảng bá, chào hàng trên thế giới cách đây khoảng 4 tháng. Vietnam Airlines cho biết đang có đề án khai thác dàn máy bay loại này trong thời gian tới, các bản tin của SOHA, CafeF và Cafebiz viết.
Vị tổng giám đốc của Vietnam Airlines được SOHA, CafeF và Cafebiz trích lời nói rằng tình trạng thiếu hụt máy bay đang diễn ra trên toàn thế giới và có thể kéo dài đến tận năm 2027 mới kết thúc.
Vẫn TGĐ Hà lưu ý thêm rằng việc đặt mua máy bay của Airbus hay Boeing đều rất khó và sẽ chỉ được giao sớm nhất vào năm 2030.
Như VOA đã đưa tin, tập đoàn COMAC của Trung Quốc đang tích cực tiếp thị máy bay C919 của họ ra thị trường quốc tế, hy vọng sẽ cạnh tranh được với những gã khổng lồ Boeing và Airbus, nhưng Bắc Kinh đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để giành lấy bầu trời châu Á do còn phải trải qua các bước để được chứng nhận quốc tế, trong khi các hãng hàng không khu vực vẫn tỏ ý thận trọng.
Tạp chí Forbes của Mỹ hôm 28/2 nhận định rằng việc COMAC đạt được chứng nhận bên ngoài Trung Quốc cho máy bay C919 có thể là một quá trình kéo dài.
Máy bay thân hẹp hai động cơ C919 của COMAC có thể lắp 158-192 ghế, tùy cấu hình. Nó cạnh tranh với các mẫu Airbus A320neo và Boeing 737 MAX 8 từ lâu đã có tên tuổi trên thị trường.
COMAC đã giới thiệu loại máy bay này cùng với một mẫu máy bay nhỏ hơn của hãng ở châu Á và Việt Nam hồi tháng 2 năm nay.