Việt Nam yêu cầu các công ty mạng xã hội xác minh danh tính người dùng

Một người dùng mạng xã hội Facebook trên điện thoại của mình tại một quán cà phê ở Hà Nội, Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài xác minh tài khoản của người dùng và cung cấp danh tính của họ cho các cơ quan chức năng khi được yêu cầu, một động thái nhằm thắt chặt thêm nữa sự kiểm soát của chính quyền đối với các mạng xã hội trong nhiều năm qua.

Một nghị định mới được Chính phủ ban hành ngày 9/11 yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có lượng người truy cập trung bình từ 100.000 trở lên mỗi tháng phải tuân thủ quy định mới, theo VNews, trang Truyền hình Thông tấn của TTXVN.

Theo trang mạng này, Nghị định có tên 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng quy định rằng các công ty mạng xã hội phải “thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng” bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Vẫn theo VNews, trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, các công ty mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam về định danh và xác thực điện tử.

Cũng đưa tin về quy định mới, Thanh Niên trích dẫn Nghị định nói rằng: “Đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.”

Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12, theo VNews. Quy định mới được Truyền hình Thông tấn trích dẫn nói rằng các công ty nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có 90 ngày kể từ thời điểm Nghị định có hiệu lực để thực hiện việc xác thực thông tin người dùng. Quy định này cũng áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

VNews cho biết rằng việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc mã số định danh “sẽ giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo… trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.”

Ghi nhận về phản ứng trong cộng đồng trước quy định mới, Thanh Niên cho biết Nghị định này đang được cộng đồng người dùng internet đặc biệt quan tâm.

Theo tờ báo này, nhiều người ủng hộ quy định mới vì cho rằng việc này có thể giảm thiểu lượng “tài khoản ảo” trên các nền tảng, từ đó hạn chế những bình luận tiêu cực hoặc đăng tải thông tin không chính xác. Tuy nhiên, vẫn theo Thanh Niên, quy định cũng khiến “nhiều người bối rối.”

Một quản trị viên của một nhóm hơn 2 triệu thành viên trên Facebook nói với Thanh Niên rằng một tính năng của Facebook vừa được Meta triển khai tại Việt Nam là cho phép người dùng bình luận ẩn danh. Theo người ngày, việc người dùng được bình luận ẩn danh sẽ hạn chế những công kích cá nhân và khuyến khích mọi người nêu quan điểm cá nhân nhiều hơn.

Trong khi đó, ông Mai Thanh Phú, chuyên gia cung cấp các dịch vụ trên mạng xã hội, nói với Thanh Niên rằng nghị định mới này có thể phù hợp với những mạng xã hội trong nước, nhưng với các nền tảng xuyên biên giới sẽ phức tạp hơn nhiều. Ông lưu ý rằng việc người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch, nếu không có số điện thoại sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi việc cung cấp các giấy tờ cá nhân như số định danh cá nhân luôn được họ cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng hôm 12/11 kêu gọi các nền tảng mạng xã hội với “hàng tỷ người dùng phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật,” theo VietNamNet.

Ông Hùng nói như vậy khi trả lời chất vấn của một đại biểu Quốc hội về sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận, cạnh tranh khốc liệt với báo chính thống cả về thông tin và doanh thu.

Nhắc đến Nghị định vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, ông Hùng được VietNamNet trích lời nói rằng quy định mới “đã đưa vần đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam” trong khi trước đây chỉ quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật hay tin giả.

Nghị định mới cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ “phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ vào thời điểm bất kỳ,” theo Thanh Niên.

Facebook là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam với khoảng 75 triệu người có tài khoản. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Meta, công ty quản lý mạng xã hội này, về những yêu cầu trong nghị định mới của Việt Nam.

Một ghi nhận của Reuters hồi đầu tháng này cho biết các công ty công nghệ Mỹ đã cảnh báo chính phủ Việt Nam rằng dự thảo luật thắt chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu và giới hạn chuyển dữ liệu ra nước ngoài sẽ hạn chế các nền tảng truyền thông xã hội và các nhà điều hành trung tâm dữ liệu tăng trưởng làm ăn tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã từng yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông và internet tại đây phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Việt Nam nhưng sau đó đã bỏ quy định gây tranh cãi này hồi cuối năm 2018.

Việt Nam trong những năm gần đây đã ban hành một số quy định cùng với Luật An ninh mạng nhắm vào các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài với mục tiêu chống lại thông tin sai lệch và buộc các công ty công nghệ nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.