Ngay sau khi có thông tin một thành viên của Quốc hội Việt Nam nằm trong danh sách các chính trị gia "mua" hộ chiếu đảo Síp để có quốc tịch châu Âu, lãnh đạo văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết đang xác minh sự việc này.
Một bài báo điều tra của hãng tin Al Jazeera hôm 24/8 tung ra một tài liệu mật trong đó cho thấy chương trình hộ chiếu của Cộng hoà Síp (Cyprus) cho phép các chính trị gia “dễ tham nhũng” có thể có được tấm hộ chiếu nước này để trở thành công dân châu Âu. Bài báo này cho biết trong danh sách các chính trị gia “mua hộ chiếu vàng” đảo Síp có một thành viên Quốc hội Việt Nam đại diện TP Hồ Chí Minh tên Pham Phu Quoc.
Trưởng ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Tuý hôm 25/8 cho biết ông đã nắm thông tin việc một tờ báo nước ngoài đưa tin một đại biểu quốc hội có tên trong danh sách các trính chị gia mua hộ chiếu châu Âu, theo ghi nhận của nhiều tờ báo mạng trong nước.
Tuy nhiên theo ông Tuý, được Việt Nam Net, Dân Trí và Zing trích lời nói, vì đây là thông tin phản ánh từ báo nước ngoài nên cần phải xác minh thận trọng.
Ông Tuý cho biết đã giao Vụ Công tác đại biểu của Quốc hội kiểm tra thông tin này và sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để trên cơ sở đó có thông tin chính thức về vụ việc.
Theo tài liệu được tiết lộ, mà nhóm điều tra của Al Jazeera gọi là “Cyprus Papers”, hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ đã mua cái gọi là “hộ chiếu vàng” của đảo Síp trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019.
Trong số những người mua hộ chiếu, được coi là tấm vé trở thành công dân châu Âu và có thể đi lại tự do ở 27 nước thành viên EU cũng như nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa, mà “Hồ sơ đảo Síp” tiết lộ có các chính trị gia của một số nước, thành viên của các doanh nghiệp nhà nước và anh/em trai của một cựu thủ tướng Lebanon.
Với mức đầu tư ít nhất là 2,5 triệu USD, người chủ đầu tư có thể sở hữu hộ chiếu đảo Síp, theo các tài liệu mật của chính phủ Cộng hoà Síp bị rò rỉ mà hãng tin nhà nước Qatar có được.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hôm 25/8 nói với Zing rằng ông “giật mình” khi nghe thông tin một đại biểu Quốc hội Việt Nam mua hộ chiếu Cộng hoà Síp và cho biết ông chưa từng nhận được báo cáo về việc này.
Ông Phúc lưu ý hiện có rất nhiều thông tin “méo mó” không chuẩn xác nên cần tiếp nhận, xác minh thận trọng, theo Zing.
Đại biểu Quốc hội của TP HCM mà Al Jazeera nói có tên trong danh sách “những nhà đầu tư được cấp hộ chiếu đảo Síp, được Sài Gòn Giải Phóng trích lời nói hôm 25/8 rằng ông “có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018” nhưng khẳng định thông tin về việc ông “mua quốc tịch thứ hai là không chính xác” vì quốc tịch này do gia đình ông “bảo lãnh.”
Theo Sài Gòn Giải Phóng, đại biểu Quốc hội bị nêu tên trong hồ sơ này là ông Phạm Phú Quốc, người trúng cử ĐBQH khoá 14 khi đang là Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM. Ông Quốc, hiện là tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận, nói rằng tại thời điểm ứng cử đại biểu Quốc hội vào năm 2016, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam.
Được biết, vợ và con trai ông Quốc đều là doanh nhân. Con trai ông học tập và làm việc lâu dài tại Anh từ năm 2013. Năm 2017, vợ và con gái ông Quốc thực hiện các thủ tục xin quốc tịch cho ông tại đảo Síp. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch mà không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Năm 2016, một nữ đại biểu Quốc hội từng bị xử lý vi phạm do có quốc tịch ở Malta và không kê khai tài sản ở nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sau khi thừa nhận mang quốc tịch Malta, có tài khoản nước ngoài và cổ phiếu quỹ Malta, đã bị bãi nhiệm đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội vì “vi phạm” Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử Quốc hội và Luật Quốc tịch. Bà Hường sau đó có đơn xin rút việc tham gia Quốc hội Việt Nam khoá 14.
Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, công dân trong nước được công nhận khi “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.” Nhưng Luật sử đổi, bổ sung Luật Quốc tịch năm 2014 cho phép một số công dân được mang hai quốc tịch, trong đó gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay trẻ em là con nuôi.
Luật Tổ chức Quốc hội hiện đang có hiệu lực không quy định tiêu chuẩn về quốc tịch nhưng Luật sửa đổi bổ sung của luật này, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021 yêu cầu các ĐBQH “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.”