Việt Nam ủng hộ Palestine gia nhập LHQ 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ, ngày 13/5/2024. Photo UN Web TV.

Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang hôm 13/5 tuyên bố Việt Nam đồng bảo trợ và ủng hộ nghị quyết lịch sử của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc; ủng hộ Nhà nước Palestine sớm được gia nhập LHQ.

Đại sứ Giang phát biểu như trên khi Đại Hội đồng LHQ tiếp tục họp phiên khẩn cấp đặc biệt về tình hình Trung Đông và vấn đề Palestine hôm 13/5.

Trang UN Web TV tường thuật trực tiếp phát biểu của Đại sứ Việt Nam:

“Việt Nam sát cánh cùng nhân dân Palestine trong hoàn cảnh khó khăn trong việc thực hiện quyền tự quyết bất khả xâm phạm của họ và ủng hộ việc Palestine sớm gia nhập Liên Hiệp Quốc”.

Ngoài ra, ông Giang nói thêm rằng việc kết nạp Palestine vào LHQ là “bước đi có lợi nhất” cho giải pháp hai nhà nước, tạo nền tảng cho đàm phán bình đẳng giữa các bên và là bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình bền vững ở Trung Đông.

Trước đó, hôm 10/5, trong ngày đầu tiên của phiên họp, Đại Hội đồng LHQ đã thảo luận về tình hình tại Gaza và biểu quyết thông qua một nghị quyết do Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) giới thiệu về việc trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước Quan sát viên của LHQ.

Cuộc biểu quyết của Đại hội đồng gồm 193 thành viên là một cuộc khảo sát toàn cầu về sự ủng hộ dành cho nỗ lực vận động của Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ - một bước đi trên thực tế sẽ là công nhận một nhà nước Palestine - sau khi Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng trước.

“Chúng tôi rất thất vọng rằng tháng trước, Hội đồng Bảo an một lần nữa không đạt được thỏa thuận về việc thừa nhận người Palestine là quốc gia thành viên LHQ. Điều này đi ngược lại ý chí của không chỉ người dân Palestine mà còn của đa số cộng đồng quốc tế”, ông Giang nói.

Việc Palestine vận động để trở thành thành viên đầy đủ của LHQ diễn ra bảy tháng sau chiến tranh nổ ra giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, và trong khi Israel đang mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng, điều mà LHQ coi là bất hợp pháp.

Hồ sơ đệ nạp trở thành thành viên đầy đủ của LHQ trước tiên cần phải được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên và sau đó là Đại hội đồng chấp thuận.