Việt Nam dự tính sẽ có thêm 11 sân bay mới cho đến năm 2050, đưa tổng số sân bay trong cả nước lên 33, trong đó có 14 phi trường quốc tế, theo quy hoạch tổng thể cảng hàng không vừa được Bộ Giao thông-Vận tải công bố hôm 14/7.
Các vùng đại đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mỗi nơi sẽ có hai sân bay và sẽ là đầu mối giao thông hàng không chính của Việt Nam. Riêng Hải Phòng theo quy hoạch cũng được cho phép có hai sân bay.
Vùng đại đô thị thành phố Hồ Chí Minh đang xây mới sân bay quốc tế Long Thành ở tỉnh Đồng Nai bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi vùng Hà Nội phải đợi sân bay Nội Bài đạt công suất 100 triệu hành khách/năm thì mới xây thêm một sân bay nữa, theo quy hoạch.
Hiện tại vị trí xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội vẫn còn đang tranh cãi nhưng nhiều khả năng nó sẽ được đặt ở phía nam hay đông nam Hà Nội.
Việt Nam hiện có cả thảy 22 sân bay cả quốc tế lẫn quốc nội. Từ nay đến năm 2030, theo quy hoạch, Việt Nam sẽ xây thêm 8 phi trường mới, bao gồm Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La), Quảng Trị ở miền Bắc, Thành Sơn (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận) ở miền Trung và Biên Hòa, Long Thành (cùng ở Đồng Nai) ở miền Nam.
Sau năm 2030, sẽ xây thêm ba sân bay cho đến năm 2050 là sân bay thứ hai vùng thủ đô, sân bay Cao Bằng và sân bay Tiên Lãng (Hải Phòng) – tất cả đều ở miền bắc.
Sân bay thứ hai vùng thủ đô dự tính sẽ làm sân bay nội địa để chuyển tất cả các chuyến quốc tế sang phi trường Nội Bài, nhưng chính quyền Hà Nội đang đề xuất với Chính phủ để sân bay mới này làm sân bay quốc tế luôn, theo tờ Tiền Phong, với lập luận vùng đại đô thị phía Nam có 2 sân bay quốc tế thì vùng phía Bắc cũng phải được tương xứng.
Còn ở Hải Phòng, phi trường mới Tiên Lãng sẽ là phi trường quốc tế, còn sân bay Cát Bi hiện tại sẽ chuyển thành sân bay quốc nội.
Như vậy, 14 phi trường quốc tế của Việt Nam cho đến năm 2050 sẽ là Vân Đồn (Quảng Ninh), Tiên Lãng (Hải Phòng), Nội Bài (Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hoá), Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Lâm Đồng), Long Thành (Đồng Nai-Vùng đại đô thị phía Nam), Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Cần Thơ và Phú Quốc (Kiên Giang).
Nếu sân bay thứ hai Vùng đại đô thị phía bắc được chuyển thành sân bay quốc tế thì Việt Nam sẽ có tổng cộng 15 sân bay quốc tế, còn nếu vẫn giữ làm sân bay nội địa thì Việt Nam sẽ có 19 sân bay quốc nội, bao gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và sân bay thứ hai Vùng đại đô thị phía bắc. Hai sân bay Biên Hòa và Thành Sơn vốn là sân bay quân sự sẽ được chuyển đổi sang dân dụng.
Số vốn cần để xây dựng thêm sân bay theo tính toán của Bộ Giao thông-Vận tải sẽ vào khoảng 420.000 tỉ đồng, xấp xỉ 18 tỉ đô la Mỹ.
Như vậy, với quy hoạch này, một số địa phương xin xây sân bay đã không được chấp thuận, bao gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La ở miền Bắc, Hà Tĩnh, Kon Tum, Đăk Nông, Quảng Ngãi, Khánh Hoà (thêm sân bay Vân Phong) ở miền Trung và Tây Ninh ở miền Nam.
Theo quy hoạch, các sân bay hiện hữu cũng sẽ được đầu tư nâng cấp hay mở rộng, bao gồm làm thêm nhà ga T3 ở Tân Sơn Nhất, mở rộng T2 và xây thêm nhà ga T3 ở Nội Bài, mở rộng các sân bay Thọ Xuân, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương…
“Với số lượng cảng hàng không được quy hoạch như trên sẽ đảm bảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện nay và tương đương với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới,” ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không được dẫn lời nói tại lễ công bố quy hoạch hôm 14/7.
Lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải cho rằng đây là quy hoạch ‘mở’, tức là có thể được điều chinh, bổ sung theo nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, theo tinh thần là cần thiết, có vị trí, thu xếp được vốn và đảm bảo hoạt động hiệu quả khi đưa vào khai thác.
Các tỉnh thành Việt Nam, nhất là các tỉnh xa xôi, đang đua nhau xin chính quyền Trung ương cho phép mở sân bay với hy vọng tạo cú hích phát triển kinh tế. Quy hoạch sân bay cũng khiến giá bất động sản xung quanh sân bay tăng vọt, theo tìm hiểu của VOA.