Việt Nam tiến một bậc trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí, mới được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố hôm 3/5, dù có thêm nhiều nhà báo bị bắt giữ và xét xử trong khi chính quyền thắt chặt thêm việc kiểm soát đối với truyền thông và tự do ngôn luận.
Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2022, Việt Nam xếp hạng 174, ngay dưới Cuba (173) và trên Trung Quốc (175), hai quốc gia cùng do Đảng Cộng sản cầm quyền như Việt Nam. Với vị trí này, Việt Nam tăng một bậc so với năm trước, trong bối cảnh mà RSF, tổ chức có trụ sở ở Paris, nhận định rằng các nền dân chủ trên toàn cầu bị suy yếu trong sự trỗi dậy của các thể chế độc tài.
Dù tiến hơn một bậc so với những năm trước đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ”, với Triều Tiên đứng cuối bảng (180).
Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi RSF đánh giá là quyền “tự do báo chí đã xuống cấp trầm trọng” trong năm qua với hai sự kiện đáng chú ý, gồm cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar dẫn đến một cuộc đàn áp cực kỳ khắc nghiệt đối với các nhà báo và việc Taliban lên nắm quyền đã khiến điều kiện của các phóng viên và các tổ chức trở nên tồi tệ hơn.
Việc Việt Nam “nhích” một bậc trên bảng Chỉ số của RSF không phản ánh đúng thực tế về “tình trạng tự do báo chí tồi tệ” ở Việt Nam, theo đánh giá của nhà báo Võ Văn Tạo, một người hoạt động báo chí nhiều năm và tiếp tục viết tự do ở trong nước.
“Những nhà báo của nhà nước, nhà báo tự do rồi những người dân bình thường khi viết lên những gì nhà nước không hài lòng, không thích – chỉ trích (nhà nước) chẳng hạn, phê phán (nhà nước) chẳng hạn – thì đều gặp rắc rối với công an và đều bị những mức án khá nặng,” nhà báo Tạo nói từ Nha Trang. “Tôi thấy rằng tình hình rõ ràng còn tệ hơn những năm trước nữa nên tôi không hiểu vì sao Việt Nam lại ‘may mắn’ nhích lên một bậc nhưng thực tế thì tôi thấy tồi tệ không kém gì (trước đây).”
RSF nhận định rằng truyền thông chính thống của Việt Nam bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi độc đảng và việc các phóng viên độc lập cũng như các blogger thường xuyên bị bỏ tù khiến cho Việt Nam trở thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với các nhà báo.
XEM THÊM: Việt Nam trở thành ‘nhà tù’ lớn thứ 3 thế giới đối với tự do báo chíTheo thống kê của RSF, Việt Nam hiện đang giam giữ 41 nhà báo sau song sắt và, cùng với Singapore – xếp hạng 139, là hai quốc gia thắt chặt hơn việc kiểm soát các phương tiện truyền thông trong năm qua. Còn Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) thống kê rằng Việt Nam vào năm ngoái cầm tù 23 nhà báo chỉ vì họ dám nói ra sự thật.
Hai nhà báo bị kết án gần đây nhất là Nguyễn Hoài Nam, cựu phóng viên Báo Pháp luật TPHCM, và Phan Bùi Bảo Thy, từng làm việc cho Báo Giáo dục và Thời đại, trong các vụ án hình sự mà RSF cho rằng “được thiết kế để bịt miệng” các nhà báo chống tham nhũng. Trước đó vào tháng 3, nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, tức Dũng Vova, bị tuyên án 5 năm tù và 5 năm quản chế vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Năm ngoái, chính quyền Việt Nam cũng đưa ra xét xử một loạt các nhà báo nổi danh trong giới đấu tranh dân chủ, gồm các thành viên Hội nhà báo Độc lập – trong đó có Phạm Chí Dũng, nhóm Báo Sạch, và nhà báo bất đồng chính kiến được quốc tế công nhận, Phạm Đoan Trang.
Nhiều nhà báo của Việt Nam bị xét xử theo các điều khoản của Bộ luật Hình sự, gồm “truyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, mà giới tranh đấu và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như các chính phủ phương Tây cho là “mơ hồ.”
“Dư luận đấu tranh rất nhiều, phản ứng và phê phán rất nhiều nhưng mấy chục năm rồi nhà nước Việt Nam vẫn ‘mũ ni che tai’ trong vấn đề này, không tiếp thu để hòa nhập với nhân loại văn minh,” nhà báo Tạo nói và cho rằng tự do báo chí là một trong những tự do quan trọng nhất được đề cập trong quyền con người. “Nếu như Việt Nam xóa bỏ được những điều luật rất là vô lý như thế và hòa nhập vào với nhân loại văn minh thì tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiến bộ rất nhanh.”
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn khẳng định chỉ bỏ tù những người “vi phạm pháp luật” và cho rằng luôn có tự do báo chí ở trong nước.
Bảng Chỉ số được RSF đưa ra hàng năm, trong đó đánh giá tình trạng báo chí ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bảng Chỉ số năm nay còn nêu bật những tác động tai hại của tình trạng hỗn loạn thông tin và tin tức do tác động của một không gian thông tin trực tuyến toàn cầu hóa và không được kiểm soát khiến tin tức tuyên truyền giả mạo được lan truyền.
Theo đánh giá của RSF, các nền dân chủ bị suy yếu trong năm qua do sự bất cân xứng giữa các xã hội mở và các chế độ chuyên chế kiểm soát các phương tiện truyền thông cũng như các nền tảng trực tuyến của họ trong khi tiến hành các cuộc chiến tranh tuyên truyền chống lại các nền dân chủ. Cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine trong gần 3 tháng qua, theo RSF, phản ánh quá trình này khi cuộc xung đột trên thực địa được theo sau bởi một cuộc chiến tranh tuyên truyền.