Quốc hội Việt Nam hôm 17/11 thông qua Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi dù vấp phải kiến nghị hoãn thông qua dự luật này để thẩm định lại.
Với 443/466 đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đã được thông qua, nhưng theo truyền thông trong nước, vẫn còn ý kiến đại biểu và chuyên gia bày tỏ băn khoăn.
Theo Thanh Niên, bộ luật sửa đổi vừa được Quốc hội bấm nút thông qua “vẫn không quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải công khai báo cáo này.”
Trách nhiệm công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong những điều mà các đại biểu quốc hội và chuyên gia băn khoăn, theo Tuổi Trẻ.
Theo luật sửa đổi mới được thông qua, cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ có trách nhiệm công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua trong ngày 17/11, một đại biểu Quốc hội đã đề nghị hoãn thông qua dự thảo luật sửa đổi “để tiến hành thẩm định lại” và “quyết định vào kỳ họp Quốc hội tới.”
XEM THÊM: Bộ trưởng Việt Nam: Rừng mất do Mỹ rải chất độc hoá họcĐại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu của An Giang được Tuổi Trẻ trích lời nói tại một phiên họp hôm 17/11 rằng điều khoản về việc công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường “tiếp tục không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội.”
Trước đó, vào ngày 5/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi đối thoại, trao đổi với nhóm các nhà khoa hoạ, chuyên gia về những nội dung, vấn đề còn tranh cãi trong dự luật. Theo Tuổi Trẻ, người đứng đầu bộ này nói sẽ “tiếp thu kiến nghị” của các nhà khoa học về nội dung cơ quan thẩm định cũng phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường khi tiếp nhận thẩm định.
Theo ông Hiếu, việc không bắt buộc phải công khai đánh giá tác động môi trường “hạn chế quyền tiếp cận” của cộng đồng tới những “báo cáo quan trọng này.”
Vị đại biểu quốc hội của An Giang kêu gọi các cơ quan nhà nước “cần công khai toàn bộ các đánh giá tác động môi trường” và các thông tin này “cần được công bố rộng rãi” để “đảm bảo sự giám sát của cộng đồng, của các tổ chức độc lập, hạn chế các xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ môi trường.”
Còn theo đánh giá của Tổng cục Môi trường Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi lần này “phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hoá được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.”
Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề cấp bách ở Việt Nam khi nó trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong những năm gần đây mà theo đánh giá của các chuyên gia là do các quy định về môi trường ở Việt Nam quá lỏng lẻo khiến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp dựa vào đó để lách luật. Thảm hoạ môi trường ở bốn tỉnh miền Trung hồi năm 2016 do nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, và nhà máy bauxite Tân Rai-Nhân Cơ ở Đắc Nông với nguy cơ về bùn đỏ là những ví dụ mà các chuyên gia và nhà khoa học luôn đưa ra khi nói về việc thiếu cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường ở Việt Nam.