Việt Nam bắt đầu ngừng các chuyến bay quốc tế nhập cảnh vào sân bay Nội Bài ở Hà Nội từ ngày 1/6 trong lúc quốc gia Đông Nam Á đang chống chọi với làn sóng lây nhiễm mạnh nhất trong cộng đồng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây hơn 1 năm.
Các ca lây nhiễm vì COVID-19 tăng gấp đôi trong vòng 1 tháng qua ở Việt Nam và Bộ Y tế cuối tuần qua thông báo đã phát hiện ra một “biến thể lai mới” có khả năng lây nhiễm cao – được cho là sự kết hợp của hai biến thể ở Anh và Ấn Độ.
Làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng thứ 4, bùng phát từ ngày 27/4, đã lan ra 33 tỉnh thành trong cả nước, theo thống kê được Thông Tấn Xã Việt Nam cập nhật ngày 1/6. Hàng nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận thêm trong đợt bùng phát nghiêm trọng nhất ở Việt Nam trong những ngày qua khiến tổng số ca dương tính vì COVID-19 lên đến 7.572 với 47 trường hợp tử vong, theo dữ liệu của Bộ Y tế đưa ra hôm 1/6.
Trước tình hình đó, Cục Hàng không Việt Nam đã ra thông báo hoả tốc về việc tạm dừng nhập cảnh hành khách tại các sân bay quốc tế của Việt Nam. Theo quyết định được Bộ Y tế trích dẫn, sân bay Nội Bài ở Hà Nội phải tạm dừng đón các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh bắt đầu từ 1/6 đến hết ngày 7/6. Tuy nhiên các chuyến bay ra nước ngoài từ sân bay này vẫn diễn ra bình thường. Mặc dù vậy, không rõ các chuyến bay trong nước có nằm trong lệnh tạm ngừng mới nhất này không.
Trước khi thông báo của Cục Hàng không được đưa ra hôm 31/5, Việt Nam đã hạn chế nghiêm ngặt các chuyến bay nước ngoài đến và mọi người khi nhập cảnh phải cách ly tập trung tại các trung tâm do nhà nước quản lý trong 21 ngày. Việt Nam không tiếp nhận các chuyến bay thương mại kể từ tháng 3 năm ngoái nhưng các chuyến bay hồi hương người Việt Nam từ nước ngoài và các chuyên gia tới Việt Nam làm việc được phép nhập cảnh trước khi có quyết định tạm ngừng hôm 31/5.
Trước đó, Cục Hàng không đã tạm dừng việc nhập cảnh hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất ở TPHCM từ 27/5 và thông báo mới đưa ra hôm 31/5 gia hạn thêm thời gian tạm ngừng các chuyến bay quốc tế đến sân bay này tới hết ngày 14/6.
TPHCM, nơi có đông dân nhất của Việt Nam với khoảng 9 triệu người, đã thông báo cách ly toàn xã hội bắt đầu từ 31/5 trong lúc tăng cường tiến hành xét nghiệm cho người dân.
Việt Nam, với dân số 98 triệu người, cho đến nay đã nhận được 2,9 triệu liều vaccine và nhắm mục tiêu có được 150 triệu liều trong năm nay. Tuy nhiên, số lượng vaccine mà Việt Nam đã nhập khẩu “vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước hiện nay,” theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo tuần trước. Bà Hằng cho biết Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Ngoại giao đang tìm kiếm và đàm phán với các công ty và các đối tác, các nhà sản xuất/cung cấp vaccine trên thế giới để đa dạng hoá, tăng số lượng nhập khẩu vaccine ở Việt Nam.
Cho tới thời điểm này, mới chỉ có hơn 1% dân số ở quốc gia Đông Nam Á được tiêm ít nhất 1 liều vaccine chống COVID-19.
Trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực tìm cách đang dạng hoá nguồn cung vaccine, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cuối tháng trước kêu gọi chính phủ ở Hà Nội cho phép khu vực tư nhân giúp mua vaccine chống COVID-19 cho nhân viên của họ ở đây. Chính phủ Hà Nội chưa công khai hồi đáp lời kêu gọi của AmCham, nhưng theo VTC News, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 31/5 khẳng định rằng Bộ của ông không độc quyền nhập khẩu vaccine và khuyến khích các đơn vị có điều kiện tiếp cận có thể nhập khẩu.
AmCham cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam giảm bớt thời gian cách ly tập trung kéo dài đối với những du khách đã tiêm chủng. Bình luận về lời kêu gọi này, bà Hằng hôm 28/5 nói rằng những chính sách và biện pháp cách ly đối với người nhập cảnh Việt Nam luôn được điều chỉnh “một cách linh hoạt phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và đảm bảo mục tiêu cao nhất là ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh ở trong nước” nhưng chính phủ cũng “rất quan tâm và nỗ lực để thúc đẩy mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế xã hội.”