Nhà chức trách Việt Nam đang cân nhắc sẽ cắt mạng đối với những ai bị cho là vi phạm pháp luật khi đưa thông tin lên mạng, một sự leo thang kiểm duyệt đối với môi trường mạng vốn đã hà khắc ở quốc gia này, theo tìm hiểu của VOA.
Đây là một trong 11 điểm mới trong Nghị định mới thay thế cho các Nghị định 72 và Nghị định 27 về quản lý thông tin trên mạng được Bộ Thông tin-Truyền thông soạn thảo và đưa ra lấy ý người dân, trang mạng VnExpress cho biết.
Theo đó, các nhà mạng Internet sẽ bị yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Theo tờ trình của Bộ này gửi báo cáo Chính phủ được VnExpress dẫn lại thì ‘qua thực tế công tác quản lý nhà nước’ thì họ thấy cần phải có thêm biện pháp này mà họ cho là cách ‘xử lý nhanh’ đối với những ai dùng mạng để ‘cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước’.
Bộ Thông tin-Truyền thông đặc biệt nhắm vào những người livestream trên mạng xã hội vốn sẽ bị khóa mạng và không thể lên sóng được nữa nếu họ nói những gì làm chính quyền không hài lòng.
Theo lập luận của Bộ này được VnExpress này dẫn lại thì việc chặn ngay từ nguồn phát tán thông tin sẽ ‘giúp giảm thời gian và nguồn lực’ của họ trong việc rà soát và gỡ bỏ từng nội dung như cách làm hiện nay.
Ngoài ra, các nhà mạng Internet cũng phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng được cho là sai phạm theo yêu cầu của Bộ này trong thời hạn ‘không quá 24 giờ kể từ khi nhận được lệnh’. Các trang, nhóm, kênh, tài khoản đưa nội dung vi phạm ‘sẽ bị khóa tạm thời hay vĩnh viễn’.
Giới chức Việt Nam lâu nay vẫn buộc các mạng xã hội như Facebook, YouTube hay TikTok phải chặn hay gỡ xuống nhưng nội dung mà họ cho là độc hại hay có tính chống đối chính quyền.
Nghị định mới này cũng sẽ siết chặt việc quản lý người dùng trên các mạng xã hội mà theo đó các chủ tài khoản phải cung cấp số điện thoại di động để xác thực tài khoản và đó phải là số điện thoại di động Việt Nam.
Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ, ông Lê Quang Tự Do, phát biểu hôm 30/6 tại hội nghị sơ kết của Bộ rằng các nền tảng mạng xã hội đặt ở nước ngoài là ‘ổ phát tán thông tin xấu độc’ và chính quyền Việt Nam đã phải dùng mọi biện pháp ‘kỹ thuật, kinh tế, truyền thông’ để yêu cầu các công ty mạng xã hội này phải gỡ bài.