Việt Nam ra quyết định tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng

quyết định của Việt Nam tước quốc tịch đối với ông Phạm Minh Hoàng, 10/6/2017

quyết định của Việt Nam tước quốc tịch đối với ông Phạm Minh Hoàng, 10/6/2017

Giáo sư Phạm Minh Hoàng mới xác nhận với VOA Việt ngữ rằng hôm 10/6 ông nhận được quyết định của Hà Nội về việc tước quốc tịch Việt Nam của ông.

Vị giáo sư cũng là một nhà đấu tranh dân chủ nói quyết định do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ngày 17/5/2017.

Ông Hoàng, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nói ông “băn khoăn” vì tờ quyết định không nói rõ chính quyền Việt Nam căn cứ vào lý do cụ thể gì để tước quốc tịch.

Theo giáo sư, việc quyết định chỉ dẫn ra hai điều 81, 91 của Hiến pháp, và Luật Quốc tịch Việt Nam là “mơ hồ” đối với ông.

Người từng bị chính quyền bỏ tù 17 tháng hồi năm 2011-2012 về tội “lật đổ chính quyền” nói với VOA rằng ông đã ủy quyền cho luật sư Đặng Đình Mạnh để khiếu nại về quyết định kể trên. Luật sư đã khẳng định với ông rằng quyết định tước quốc tịch này là “sai với luật”.

Ông Hoàng nói thêm ông là người sinh ra đã có quốc tịch Việt Nam và hiện đang sống trong nước. Vì vậy, theo ông, chính quyền không thể tước quốc tịch như các trường hợp người nước ngoài từng nhập quốc tịch Việt Nam, hay người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài vi phạm luật Việt Nam về an ninh quốc gia.

Nguy cơ bị tước quốc tịch Việt được giáo sư Hoàng, người có song tịch Việt-Pháp, nói đến từ đầu tháng 6, khi Tổng Lãnh sự quán Pháp báo cho ông “tin xấu” là Việt Nam “muốn trục xuất” ông.

Mục đích của tôi là muốn bày tỏ cho cộng đồng, cho chính phủ hai nước thấy ước vọng nhỏ nhoi của tôi là được sống, làm việc và chết trên quê hương của mình, trên Việt Nam của tôi. Tôi từ bỏ quốc tịch Pháp là để nói lên khao khát đó. Bỏ quốc tịch Pháp đối với tôi cũng là một mất mát. Nhưng mất mát lớn nhất của tôi là không được ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nếu mà mất nơi đó, tôi chẳng còn tiếc cái gì cả
Giáo sư Phạm Minh Hoàng

Nói với VOA hôm 11/6, ông Hoàng cho hay tòa lãnh sự đã đàm phán với phía Việt Nam để ông được ở lại đến cuối tháng 6, và hiện còn quá sớm để biết liệu chính quyền có “cưỡng chế” để trục xuất ông hay không. Mặc dù vậy, ông chia sẻ rằng ông “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.

Hồi đầu tháng 6, giáo sư Hoàng bày tỏ ông sẵn sàng xin thôi quốc tịch Pháp với hy vọng giữ quốc tịch Việt.

Ông giải thích: “Mục đích của tôi là muốn bày tỏ cho cộng đồng, cho chính phủ hai nước thấy ước vọng nhỏ nhoi của tôi là được sống, làm việc và chết trên quê hương của mình, trên Việt Nam của tôi. Tôi từ bỏ quốc tịch Pháp là để nói lên khao khát đó. Bỏ quốc tịch Pháp đối với tôi cũng là một mất mát. Nhưng mất mát lớn nhất của tôi là không được ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nếu mà mất nơi đó, tôi chẳng còn tiếc cái gì cả”.

Tuy nhiên, động thái này của giáo sư có thể không tác động nhiều đến quyết định của Hà Nội. Theo lời thuật lại của ông, luật sư nói rằng Việt Nam “không quan tâm” đến việc ông Hoàng có quốc tịch của nước nào khác hay không, họ vẫn tước quốc tịch “nếu họ muốn”.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng du học, sinh sống ở Pháp từ đầu những năm 1970. Cuối thập niên 1990, ông về nước và giảng dạy tại Đại học Bách Khoa ở tp. HCM cho đến khi bị bắt vào mùa hè năm 2010 và bị bỏ tù sau đó.

Cách đây ít ngày, ông Hoàng nói với VOA rằng ông nghĩ Hà Nội muốn tước quốc tịch là để "trả thù" cho các hoạt động ôn hòa của ông cổ súy dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam tố cáo ông là thành viên đảng Việt Tân, tổ chức bị chính quyền Việt Nam đặt ngoài vòng pháp luật. Ông Hoàng xác nhận là thành viên đảng này nhưng không làm gì trái luật Việt Nam.