Việt Nam phạt tù 9 nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom

Nhà sư Thạch Chanh Đa Ra và các bị cáo tại phiên xét xử ở Vĩnh Long ngày 26/11/2024. Photo Bao Vinh Long.

Hôm 26/11, một tòa án ở tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt 9 người vì họ lên tiếng bảo vệ quyền của người Khmer Krom với án tù tổng cộng hơn 26 năm theo tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “bắt giữ người trái phép”. Phiên tòa này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án mạnh mẽ.

Truyền thông trong nước tường thuật rằng nhà sư Thạch Chanh Đa Ra bị phạt 6 năm tù, nhà sư Dương Khải bị tuyên 5 năm 9 tháng tù; trong khi hai phật tử Kim Khiêm 3 năm tù và Thạch Ve Sanal 2 năm 6 tháng tù.

Các nhà sư Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp, và các phật tử Kim Khu, Thạch Nha cùng nhận mức án mỗi người 2 năm tù.

Báo Vĩnh Long cho hay “tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng, bày tỏ sự hối hận và mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt”.

Giới hoạt động dẫn lời thân nhân bị cáo cho VOA biết rằng tất cả 9 người bị xét xử trong phiên tòa kéo dài một ngày tại Vĩnh Long hôm 26/11 mà không có luật sư bào chữa.

“Không có luật sư và không có tư vấn pháp lý và gia đình cũng không được thăm gặp họ. Như vậy làm sao mà là một phiên tòa công bằng cho được!”, ông Moni Mau, phó chủ tịch tổ chức Liên đoàn Khmer Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ, nêu nhận định với VOA sau phiên xử.

Your browser doesn’t support HTML5

Vụ nhà sư Thạch Chanh Đa Ra: Vĩnh Long bắt thêm 5 người bị quy ‘chống tổ công tác’

“Hôm 26/11/2024, sau 8 tháng giam giữ bất công và cưỡng bức nhận tội, chính quyền Việt Nam đã tiến hành một phiên tòa không công bằng, dẫn đến những bản án nghiêm khắc và không chính đáng đối với những cá nhân không làm gì khác hơn là ủng hộ một cách hòa bình cho quyền tôn giáo và văn hóa của họ”, KKF viết trong một tuyên bố cùng ngày.

“Dường như họ đã đe dọa ông nên ông sợ không dám nói sự thật”, ông Mau đưa ra quan điểm về cách chính quyền xét xử nhà sư Thạch Chanh Đa Ra. “Ông không có làm gì sai trái và phiên tòa xét xử ông toàn toàn không công bằng mặc dù họ nói rằng ông đã nhận tội”.

Truyền thông nhà nước dẫn cáo trạng cho hay rằng ông Thạch Chanh Đa Ra đã chỉ đạo các đồng phạm khác và trực tiếp cùng thực hiện hành vi “bắt, giữ người trái pháp luật” đối với 3 người thuộc tổ công tác của chính quyền khi họ “đến nắm tình hình và giải quyết sự việc” xảy ra tại chùa Đại Thọ ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Sau đó, ông Đa Ra bị cho là đã quay clip, phát trực tiếp cuộc nói chuyện của ông cùng với hai ông Kim Khiêm và Dương Khải trên Facebook về vụ việc chính quyền đến làm việc mà trong đó các ông bị nhà chức trách quy là “đã có lời nói không đúng sự thật, vu khống cán bộ...”, theo trang Người Lao Động.

Ông Moni Mau và những nhà hoạt động khác cho VOA biết rằng việc chính quyền cử đoàn công tác đến “làm việc” tại chùa Đại Thọ sau khi nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì chùa này, và các phật tử Khmer Krom đã tiến hành xây dựng một giảng đường nhưng bị chính quyền ngăn cản, cho rằng đó là công trình không có giấy phép.

XEM THÊM: CSW, KKF lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra

Trước khi bị bắt, ông Đa Ra, người có xu hướng muốn độc lập khỏi sự quản lý của nhà nước, đã bị khai trừ khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam của tỉnh Vĩnh Long.

Sau khi ông bị bắt, vào ngày 1/4/2024, chính quyền địa phương loan tin rằng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Đại đức Thạch Xươnl làm trụ trì chùa Đại Thọ.

Cũng hôm 1/4/2024, chính quyền Vĩnh Long đã cưỡng chế, phá hủy công trình xây dựng giảng đường, được xem là nơi học tập của sư sãi và tín đồ tại chùa Đại Thọ, theo KKF. “Hành động xúc phạm văn hóa và tôn giáo này không chỉ tước bỏ nơi thờ cúng của người Khmer-Krom mà còn vi phạm nghiêm trọng di sản và bản sắc văn hóa của họ”, KKF viết.

“Đây hoàn toàn là một sự dàn dựng của chính quyền” để họ đưa những nhân vật thân chính quyền vào quản lý ngôi chùa và phục tùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền hậu thuẫn, ông Mau đưa ra nhận xét.

“Phiên tòa bất công này là bằng chứng rõ ràng cho thấy chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp người Khmer-Krom vì đã thực hành Phật giáo Nguyên thủy một cách ôn hòa và khẳng định quyền tôn giáo của mình”, tuyên bố của KKF có đoạn.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố và phát biểu của KKF, nhưng chưa được trả lời.

Vào hồi tháng 3/2024, như VOA đưa tin, tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) và Liên đoàn Khmer Krom (KKF) bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc nhà chức trách Việt Nam bắt giam nhà sư Thạch Chanh Đa Ra và các nhà sư, phật tử khác tại chùa Đại Thọ.

Tổ chức các Quốc gia và Dân tộc Không có đại diện (UNPO) cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam các nhà lãnh đạo tinh thần và những phật tử Khmer Krom “là sự vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của con người”. UNPO nói trong một tuyên bố: “Qua việc nhắm mục tiêu vào các cá nhân thực hành tôn giáo ôn hòa và bảo vệ cộng đồng, Việt Nam thể hiện sự coi thường trắng trợn các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và các nguyên tắc dân chủ”.

Trong báo cáo hồi tháng 9/2024, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) lên án việc chính quyền bắt giam nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, người đã vận động trên các phương tiện truyền thông xã hội “cho các quyền tôn giáo và bản địa của người Khmer Khom cũng như sự độc lập của ngôi chùa của ông”.

Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã nhiều lần chỉ trích điều mà họ gọi là Việt Nam sử dụng các điều luật mơ hồ để dập tắt các tiếng nói phản biện, trái chiều, hay bảo vệ quyền của người bản địa. Ngược lại, chính quyền Việt Nam vào những dịp khác nhau đều khăng khăng rằng nước này bảo đảm nhân quyền và các quyền tự do cho người dân theo Hiến pháp, nhà chức trách chỉ bắt giữ và trừng phạt những người “vi phạm pháp luật”.