Việt Nam loan báo hôm 7/2 về chiến lược nông nghiệp mới của đất nước, trong đó có mục tiêu là trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Theo cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký một quyết định hôm 28/1 phê duyệt bản chiến lược về phát triển nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến 2050.
Trong số các mục tiêu cụ thể được đặt ra từ nay đến năm 2030 là tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản cần phải đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng nhắm đến mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm, theo bản chiến lược.
Nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho nông dân là mục tiêu lớn thứ ba được nêu ra trong bản chiến lược. “Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm”, một trích đoạn trong bản chiến lược nêu rõ.
Vẫn bản chiến lược nói thêm rằng đến năm 2030, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.
Theo tìm hiểu của VOA, trong vài năm gần đây, nông nghiệp chiếm tỷ trọng xấp xỉ 13% trong toàn bộ GDP của Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2021, GDP Việt Nam có quy mô gần 290 tỷ đô la, với GDP đầu người là hơn 2.900 đô la, tương đương khoảng 67 triệu đồng. Tuy nhiên, thu nhập trung bình của nông dân Việt Nam đạt mức thấp hơn nhiều, chỉ là 43 triệu đồng/năm vào năm 2020.
Về tầm nhìn đến năm 2050, bản chiến lược dài 32 trang nêu mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành “một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường”.
Đưa ra các giải pháp để đạt các mục tiêu nêu trên, bản chiến lược nhấn mạnh vào các việc gồm “tuyên truyền, giáo dục” về phát triển nông nghiệp bền vững; “đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh”; “nâng cao” chất lượng đào tạo nghề và hiệu quả của nghiên cứu, ứng dụng; “phát triển thị trường trong và ngoài nước”; “xây dựng và hoàn thiện” hạ tầng, ngoài ra là một số giải pháp khác.