Bộ Y tế Việt Nam đang đàm phán mua vaccine COVID-19 với 4 nước gồm Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc trong lúc mở rộng thử nghiệm lâm sàng vaccine Made-in-Vietnam cũng như xem xét dừng các chuyến bay từ nước có biến thể mới virus corona.
Trong buổi họp báo hôm 4/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho phóng viên biết rằng Việt Nam đang đàm phát với 4 nước kể trên, trong đó chính phủ sẽ mua vaccine AstraZeneca của Anh, Pfizer của Mỹ và Sputnik V của Nga.
Trả lời báo chí liên quan đến lộ trình nhập khẩu vaccine COVID-19, ông Cường cho biết tất cả các phía “đều yêu cầu Việt Nam ký một biên bản bảo mật thông tin” nhưng đến nay đã có một số thông tin được công khai và thông tin về vaccine của Trung Quốc không được đề cập.
Theo ông Cường, Việt Nam đang có nhiều khả năng nhất để mua được vaccine AstraZeneca mà Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt hôm 30/12.
“Chúng ta đã ký với họ đảm bảo vaccine cho 15 triệu dân, nghĩa là khoảng 30 triệu liều,” ông Cường được trang web của Bộ Y tế trích lời nói và cho biết vaccine, do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca phát triển, sẽ được phân phối theo lộ trình trong suốt cả năm nay.
Trong khi đó, công ty dược Pfizer của Mỹ đặt ra lộ trình đến quý 4 sẽ giao vaccine cho Việt Nam, theo ông Cường. Vaccine do Pfizer phát triển với đối tác BioNTech của Đức, được Cơ quan Quản lý và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp hôm 12/12 và hiện đang được dùng, cùng với vaccine Moderna, để tiêm chủng cho người dân Mỹ.
Với vaccine của Nga, Việt Nam đang đàm phán theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất cho một công ty trực thuộc của Bộ Y tế, theo ông Cường cho biết. Vaccine Sputnik V được chính phủ Nga phê duyệt “sau khi thử nghiệm trên vài chục người” và được ca ngợi là “sản phẩm đầu tiên trên thế giới” được chuẩn thuận để sử dụng, theo AP. Tuy nhiên, vaccine do Nga chế tạo vấp phải những phản ứng tương phản với sự chào đón một cách nhiệt tình đối với các vaccine chống COVID-19 khác do phương Tây phát triển sau khi bị quốc tế chỉ trích vì đã phê duyệt một loại vaccine chưa qua giai đoạn thử nghiệm sâu rộng.
Trung Quốc hồi cuối tháng trước cũng thông báo phê duyệt loại vaccine nội địa đầu tiên ngừa COVID-19, Sinopharm, và đang được dùng trong chương trình tiêm chủng cho 50 triệu người dân trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong lúc đàm phán để mua vaccine từ nước ngoài, Việt Nam cũng đang mở rộng tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 “made-in-Vietnam”.
Nanocovax, vaccine nội địa chống COVID-19 đầu tiên của Việt Nam do Công ty được Nanogen phát triển, bắt đầu được tiến hành thử nghiệm lâm sàng hôm 17/12 và dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 2/2022. Theo báo điện tử Chính phủ, đợt thử nghiệm lâm sàng trên người lần thứ 3 có thể mở rộng tới 30.000 người tham gia. Điểm mạnh của vaccine Việt Nam, theo VGP News, là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ C), trong khi vaccine của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản ở nhiệt độ âm 75 độ C, khó khăn trong việc vận chuyển.
Theo Bộ Y tế, ngoài Nanogen, còn có 3 đơn vị khác tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine ở Việt Nam.
Trong một động thái khác liên quan đến nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh ở Việt Nam, Bộ Y tế hôm 3/1 trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến thể virus corona chủng mới, theo VnExpress.
Trước đó một ngày, Việt Nam thông báo ghi nhận một ca nhiễm biến thể COVID-19 đang gây lây lan mạnh ở Anh và trên thế giới. Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam, bệnh nhân nữ 44 tuổi từ Anh trở về Việt Nam ngày 22/12 và đã được cách ly ngay.
Hiện hơn 40 quốc gia đã hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh cũng như các nước nghi nhận biến thể COVID-19, có khả năng lây lan nhanh hơn co với chủng virus trước đây. Mỹ nằm trong số các quốc gia đã phát hiện các ca nhiễm của biến thể mới này.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia thành công trong việc ngăn chặn lây nhiễm đại dịch virus corona khi sớm đóng cửa biên giới và ngừng các chuyến bay nước ngoài đến Việt Nam cũng như tiến hành cách ly tập trung quyết liệt. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy tính đến ngày 4/1, Việt Nam có 1.497 ca nhiễm với 35 trường hợp tử vong.