Việc duy trì ảnh hưởng của Việt Nam đối với hai đồng minh truyền thống, Campuchia và Lào, đang vấp phải những thách thức đáng kể từ sự cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc ở hai nước này trong 10 năm trở lại đây
Lần đầu tiên trong nhiều năm, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có một cuộc gặp cấp cao với những người đứng đầu các đảng của Campuchia và Lào. Dù cuộc gặp được truyền thông do nhà nước kiểm duyệt gọi là nhằm củng cố “mối quan hệ truyền thống và gắn bó giữa ba đảng, ba nước” nhưng cuộc tập hợp hiếm hoi này được các nhà quan sát cho là có mục đích lớn hơn như vậy trong bối cảnh sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với hai đồng minh lâu năm của Việt Nam.
Ông Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp đón Chủ tịch Nhân dân đồng thời là Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại trụ sở Trung ương Đảng ở Ba Đình, Hà Nội, hôm 26/9.
Theo Tuổi Trẻ, ba nhà lãnh đạo của ba đảng đã “đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng” của cuộc gặp khi thông báo cho nhau về tình hình của mỗi đảng, mỗi nước, trong đó có công tác Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đưa tin về cuộc gặp này, báo Phnompenh Post cho biết ba nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác và củng cố mối quan hệ vì lợi ích nhân dân ba nước, nhằm duy trì hoà bình cũng như ổn định trong khu vực. Tương tự, báo Vientiane Times nói rằng ba nhà lãnh đạo Đảng thảo luận về sự hợp tác trong những năm gần đây cũng như đường hướng cho tương lai, đồng thời thống nhất về tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống, đoàn kết và hữu nghị giữa ba đảng, ba nước.
Ba nước ‘anh em’
Cuộc gặp hiếm hoi của những người đứng đầu ba đảng cho thấy mối quan hệ giữa đảng với đảng đang gắn kết ba nước Đông Dương, tên gọi của ba nước trong thời gian cùng bị Pháp đô hộ, trong đó Việt Nam và Lào là hai trong số 5 quốc gia còn lại trên thế giới vẫn duy trì Đảng Cộng sản. Mối quan hệ của Việt Nam với hai nước láng giềng ‘anh em’ phía tây này được xem là đặc biệt chặt chẽ về lịch sử, chính trị và ý thức hệ bởi Hà Nội đã giúp họ lên nắm quyền vào những năm 1970 và duy trì mối quan hệ thân thiết kể từ đó.
Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) lên nắm quyền với sự hậu thuẫn chính trị và quân sự của Việt Nam vào tháng 12/1975 và tiếp tục có mối quan hệ thân thiết với ‘người bảo trợ’ Việt Nam. Trong khi đó, Đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen lên nắm quyền vào năm 1979 sau khi quân đội Việt Nam đánh bại chính thể cộng sản Khmer Đỏ mà trước đó cũng nhận được sự bảo trợ của Hà Nội trước khi quay lại chống chế độ này vào đầu những năm 1970.
Các nhà phân tích và quan sát xem cuộc họp hôm 26/9 tại Hà Nội là một động thái quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách gây ảnh hưởng đối với hai đồng minh lịch sử, hiện đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc trong những năm gần đây.
Nếu Trung Quốc có thể lặp lại trường hợp của Khmer Đỏ ở Lào và Campuchia, thì nó sẽ là một mối bất lợi cho Việt Nam.Thạc sỹ Hoàng Việt, Đại học Luật TPHCM
Chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc tới Lào vào tháng trước, chuyến công du đầu tiên với tư cách là chủ tịch nước Việt Nam, cũng cho thấy Hà Nội đang nỗ lực thế nào để duy trì vị trí truyền thống và ảnh hưởng của mình ở đây trước sự bành chướng của Trung Quốc trong khu vực, theo nhận định các chuyên gia.
“Đối với Việt Nam, mối quan hệ với Lào và Campuchia đóng một vai trò quan trọng trong mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng,” Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak nhận định. “Do đó, việc duy trì mối quan hệ với hai nước này cũng như sự ảnh hưởng đối với họ ở mức cao nhất có thể là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
Theo TS Hiệp, mục tiêu này của Việt Nam đang vấp phải những thách thức đáng kể từ sự cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc ở Campuchia và Lào trong 10 năm trở lại đây.
Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu của ISEAS, giàu có hơn, với nhiều tiền hơn để đầu tư vào các mối quan hệ với Lào và Campuchia, “đặc biệt thông qua các gói cứu trợ, các khoản vay ưu đãi và các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng.”
Các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc và những động thái hung hăng gần đây của nước này trên Biển Đông đã khiến Việt Nam lo ngại, theo Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên trường Đại học Luật TPHCM. Việt Nam cũng chưa thể quên được sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với chính quyền Khmer Đỏ từng nắm quyền tại Campuchia trong những năm cuối thập kỷ 1970 trước khi bị quân đội Việt Nam đánh bại.
Ngả về Trung Quốc
Những năm gần đây xuất hiện các thông tin cho rằng Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở căn cứ quân sự bí mật tại Ream ở bờ biển phía Tây Nam Campuchia, mặc dù Phnom Penh luôn phủ nhận. Nếu tin đồn này là thật, theo ông Việt, thì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh và quốc phòng của Việt Nam do Trung Quốc có ý định thiết lập các căn cứ quân sự trên thế giới.
“Hơn nữa, Trung Quốc đang có nhiều hành động đe doạ lãnh thổ và sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như những lợi ích hàng hải ở Biển Đông,” Thạc sỹ Việt nói. “Do đó, nếu Trung Quốc có thể lặp lại trường hợp của Khmer Đỏ ở Lào và Campuchia, thì nó sẽ là một mối bất lợi cho Việt Nam.”
Kể từ giữa những năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại cả Campuchia và Lào, cũng như là một đồng minh chính trị ngày càng quan trọng đối với hai quốc gia này.
Việc duy trì mối quan hệ với (Campuchia và Lào) cũng như sự ảnh hưởng đối với họ ở mức cao nhất có thể là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.TS Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak
Các nhà phân tích cho rằng không lâu nữa Hà Nội có thể sẽ mất đi toàn bộ sự ảnh hưởng đối với Vientiane khi Bắc Kinh không chỉ trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của Lào mà còn bởi các công ty Trung Quốc chính thức nắm giữ các tài sản chiến lược của nước này, theo Asia Times. Vào tháng 9 năm ngoái, chính phủ Lào về cơ bản đã trao quyền kiểm soát lưới điện quốc gia cho một công ty Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Hiện Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào.
Tương tự, theo nhận định của Asia Times, với việc Campuchia đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới, cũng có những lo ngại rằng Phnom Penh có thể sử dụng vị trí này để thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh. Cách đây 5 năm, Campuchia, với tư cách là đồng minh trung thành của Trung Quốc, đã ngăn cản khối ASEAN đạt đồng thuận về vấn đề Biển Đông sau khi Toà trọng tài quốc tế ở La Haye bác yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Việt Nam đặc biệt lo ngại về viễn cảnh này, nhất là khi khối này được cho là cuối cùng đã nhất trí về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc dự kiến được thông qua vào năm sau.
Dù Trung Quốc không được nhắc đến trong cuộc cuộc gặp hôm 26/9 giữa ba người đứng đầu các đảng, nhưng theo nhận định của The Diplomat, cuộc hội tụ này là một nỗ lực của Hà Nội nhằm làm mới và tăng cường mối quan hệ lâu dài với Lào và Camphuchia vào thời điểm sức mạnh của Trung Quốc tăng cao và mối bất đồng giữa Hà Nội và Bắc Kinh ngày càng lớn.
“Việt Nam không có nhiều nguồn lực để cạnh tranh về mặt kinh tế với Trung Quốc nhưng đang cố gắng hết sức thông qua một số khoản đầu tư hoặc các gói cứu trợ chọn lọc,” TS Hiệp nói. “Việt Nam cũng đang cố gắng tận dụng những di sản lịch sử như quan hệ truyền thống, các chương trình học bổng cho sinh viên, hoặc các hoạt động hợp tác kinh tế khác, nhằm phát triển quan hệ với hai nước này.”
Campuchia và Lào, theo TS Hiệp, sẽ tiếp tục quan trọng đối với Việt Nam khi cạnh tranh chiến lược giữa Hà Nội và Bắc Kinh ngày càng gia tăng trong thời gian tới.