Việt Nam khởi tố vụ giết 2 lãnh đạo giữa lúc dư luận bị trách ‘vô lương’

Công chúng bị truyền thông nhà nước Việt Nam cho là 'vô lương' vì đã 'hả hê' trước cái chết của các quan chức.

Công chúng bị truyền thông nhà nước Việt Nam cho là 'vô lương' vì đã 'hả hê' trước cái chết của các quan chức.

Việt Nam quyết định khởi tố vụ giết 2 lãnh đạo cấp cao của tỉnh Yên Bái trong khi dư luận bị truyền thông nhà nước chỉ trích là 'vô lương' vì đã 'hả hê' trước cái chết của các quan chức.

Vào lúc 10 giờ tối hôm qua (18/8), ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho báo giới Việt Nam biết cơ quan điều tra công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người tại trụ sở tỉnh ủy vào buổi sáng cùng ngày vì tính chất “đặc biệt nghiêm trọng” của vụ việc. Tại buổi họp trước đó, ông Chiêu nói sẽ không khởi tố vụ án vì nghi phạm đã chết.

Vụ nổ súng giết hai quan chức cấp cao của tỉnh là ông Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy – và ông Ngô Ngọc Tuấn – Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban tổ chức – ngay trước phiên họp của HĐND tỉnh đã khiến cho dư luận rúng động và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phải tức tốc có mặt tại Yên Bái để chỉ đạo điều tra và tăng cường an ninh trong khu vực.

Nghi phạm là ông Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái – với phương tiện gây án là một khẩu súng quân dụng. Ông này được cho là đã tự sát ngay sau đó.

Tin tức về vụ nổ súng hiếm xảy ra tại Việt Nam này đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, kèm theo rất nhiều bình luận từ công chúng bị truyền thông nhà nước Việt Nam cho là “vô lương” vì đã “hả hê” trước cái chết của các quan chức.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà bình luận và quan sát tình hình thời sự Việt Nam, nói với VOA: “Đã có người thống kê có đến 95% ý kiến trên mạng xã hội là từ bàng quan cho đến hả hê trước vụ giết chóc này, không hề biểu hiện một chút thương cảm nào đối với cái chết của giới quan chức, mà cũng không hề có thái độ lên án với nghi phạm, thủ phạm, là ông Đỗ Cường Minh. Chỉ có 5% còn lại là cảm thấy có gì đó đau xót và buồn bã vì tình hình của đất nước khi người ta giết nhau, thảm sát nhau như vậy. Một nỗi buồn chung chung, trừu tượng, chứ không buồn cụ thể cho những người chết”.

Qua so sánh vụ giết người vừa xảy ra với vụ một nông dân ở Thái Bình, ông Đặng Ngọc Viết đã bắn vào quan chức địa phương hồi tháng 9/2013 và đưa ra nhận định:

“Từ vụ Đặng Ngọc Viết tới vụ Đỗ Cường Minh cho thấy một sự phản ứng rất lớn của người dân đối với đảng cầm quyền là như thế nào. Họ mất lòng tin rồi. Bây giờ lại thêm hàng loạt chuyện, nhất là chuyện Formosa, càng làm cho người dân mất niềm tin kinh khủng vào chế độ. Thành thử có một chuyện gì mà các quan chức chế độ bị rủi ro thì người dân thực sự chỉ có reo mừng thôi”.

Your browser doesn’t support HTML5

Hai lãnh đạo cấp cao tỉnh Yên Bái bị bắn chết

Nói về nguyên nhân khiến dư luận hả hê thay vì thương tiếc, nhà hoạt động Đặng Bích Phượng, người đã ra tự ứng cử đại biểu quốc hội Việt Nam vài tháng trước, cho rằng do sự bức xúc của người dân trong nhiều năm đã không được giải quyết.

“Trong xã hội này, khi mà tính thực thi của luật pháp gọi là ‘nhờn thuốc’ đối với các quan chức, thì bây giờ người ta nói là ‘thay trời hành đạo’, người ta không cần quan tâm đến nguyên nhân nào, họ không quan tâm, không cứ gì bắn đâu, bị bệnh chết hay bị tai nạn chết, người ta đều vui mừng. Nhưng việc bị tai nạn hay bị bệnh nó không thể hiện cái dấu hiệu tan vỡ, sụp đổ của bộ máy nhà cầm quyền. Đây là một thể hiện cho thấy nó đã bắt đầu bung ra khi mâu thuẫn quyền lợi đã đến đỉnh điểm”.

Trong khi đó, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết anh không quan tâm đến vụ giết người này vì đây là vụ có thể dự đoán được do sự quản lý vũ khí và an ninh lỏng lẻo tại các cơ quan công quyền của Việt Nam. Anh Tuấn cho biết thêm:

“Em nghĩ rằng có một đối tượng khác nên quan tâm đến vụ này hơn là những quan chức, những người đang nắm quyền hiện tại. Khi nhìn vào những đồng chí của họ, những người cũng có quyền, có thế như họ bị giết mà đám đông dân chúng reo hò, cổ vũ, thì đấy là một thông điệp em nghĩ rằng rất có sức nặng nếu họ sáng suốt nhìn ra những thông điệp đó”.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, điều mà giới cầm quyền Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn trong vụ này là phản ứng của công luận để đánh giá đúng tình hình và mối quan hệ với dân chúng.

“Ở đây có một vấn đề lớn hơn mà em nghĩ những người nắm quyền cần quan tâm là sự uất ức của người dân đối với bộ máy chính quyền, các cấp lãnh đạo cao nhất, là nó không sáng sủa như các báo cáo và phát biểu của bộ máy tuyên giáo trong thời gian qua rằng sự đồng thuận trong xã hội tăng lên, người dân ngày một tin yêu vào đảng, nhà nước… Tất cả những cái đó cần phải được kéo lại với thực tế là bây giờ sự gần gũi, gắn kết của người dân với những người nắm quyền nó tệ hại hơn bao giờ hết”.

Tin cho hay nạn nhân và nghi phạm của vụ nổ súng đều có nhiều gia sản, con cái đi du học và nhiều người thân nằm trong bộ máy chính quyền. Nhà của Bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường và nghi phạm Đỗ Cường Minh đều nằm cùng trên một con phố mà người dân quen gọi là “phố làm quan”.

Theo Tuoitre.vn