Việt Nam hưởng lợi trước mắt từ RCEP; Trung Quốc ‘thắng’, Mỹ ‘thua’?

Thủ tướng và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam tại lễ ký RCEP qua mạng hôm 16/11

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 15 nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, ký kết qua mạng hôm 15/11 trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế do Hà Nội làm chủ nhà.

Các thành viên RCEP gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hai chuyên gia kinh tế nhận định với VOA rằng hiệp định mang lại những lợi ích trước mắt cho Việt Nam song đi kèm theo đó là nguy cơ Việt Nam lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Họ cũng đánh giá rằng RCEP giúp Trung Quốc tăng vị thế lãnh đạo và ảnh hưởng địa-chính trị, trong khi Mỹ chịu bất lợi.

RCEP được xem là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng dân số của các nước thành viên lên đến 1/3 dân số trên thế giới , và chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Với RCEP, Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế toàn cầu và nhất là kinh tế Trung Quốc ngày càng nhiều. Do đó, điều gì tiêu cực xảy ra trên thế giới và Trung Quốc cũng sẽ có tác động tiêu cực đến Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu


Hiệp định này dần cắt giảm thuế quan trong vòng 20 năm, chống lại chủ nghĩa bảo hộ, đẩy mạnh đầu tư và cho phép hàng hóa lưu chuyển tự do bên trong khu vực.

Hai tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh và Nguyễn Trí Hiếu nói với VOA rằng trong thời gian trước mắt, hiệp định sẽ có tác động tích cực cho Việt Nam.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội với chuyên môn sâu về thương mại quốc tế, chỉ ra thực tế rằng mỗi khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do, như với ASEAN hoặc EU, GDP của Việt Nam và đối tác đều tăng lên.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt, khẳng định RCEP mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam cũng như mang lại các lợi thế về thuế quan cho Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước thành viên.

Việt Nam tăng phụ thuộc vào Trung Quốc

Nhưng cả hai chuyên gia đều cảnh báo về nguy cơ Việt Nam ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới hiện nay. Ông Hiếu nói:

“Từ trước đến nay Việt Nam đã lệ thuộc rồi. Về xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Về nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với RCEP, Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế toàn cầu và nhất là kinh tế Trung Quốc ngày càng nhiều. Do đó, điều gì tiêu cực xảy ra trên thế giới và Trung Quốc cũng sẽ có tác động tiêu cực đến Việt Nam”.

Cửa khẩu biên giới Hữu Nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Photo CafeF

Con số thống kê của Việt Nam cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước đạt gần 440 tỉ đô la, với xuất siêu lên đến gần 19 tỉ đô la, cao gấp đôi mức xuất siêu cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong cán cân thương mại với Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ nước láng giềng phương bắc khi số liệu tính đến tháng 10/2020 cho thấy Việt Nam xuất sang Trung Quốc 37,6 tỉ đô la và nhập khẩu 65,78 tỉ đô la.

Việt Nam sẽ thiên về đi tìm một thị trường xuất nhập khẩu đơn giản như Trung Quốc và chúng ta sẽ bị phụ thuộc ngày càng nhiều hơn. Về lâu về dài sẽ không có lợi.
PGS-TS. Nguyễn Hoàng Ánh


Với kinh nghiệm giảng dạy về thương mại quốc tế, bà Ánh lưu ý rằng việc cắt giảm thuế theo RCEP có nhiều khả năng mang lại thêm lợi thế cho Trung Quốc trong buôn bán nội khối, riêng với Việt Nam, hàng Trung Quốc sẽ tràn vào nhiều hơn. Bà nói:

“Đến nay, Việt Nam luôn trong tư thế nhập siêu. Bây giờ, tiếp tục có hiệp định này, khả năng là nhập siêu của Việt Nam càng tăng lên, sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc cũng tăng lên”.

Bên cạnh đó, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh chỉ ra rằng RCEP không quan tâm nhiều đến thương mại công bằng (fair trade) khi nó không chứa đựng các điều khoản về bảo vệ quyền của người lao động, môi trường, và sở hữu trí tuệ.

Hiệp định cũng không giải quyết các vấn đề về trợ cấp công nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, vẫn áp đặt thuế với thương mại điện tử xuyên biên giới, v.v…, theo lời bà Ánh.

Để so sánh, bà nêu ra các hiệp định thương mại tự do với Mỹ và Liên hiệp châu Âu thường có các điều khoản đòi hỏi phải bảo vệ nhân quyền, người lao động, môi trường và một số vấn đề khác.

Vì vậy, PGS-TS Ánh cho rằng RCEP không giúp gì cho Việt Nam trong việc cải tiến nền thương mại và sản xuất theo hướng tích cực. Bà nói:

“Việt Nam sẽ thiên về đi tìm một thị trường xuất nhập khẩu đơn giản như Trung Quốc và chúng ta sẽ bị phụ thuộc ngày càng nhiều hơn. Về lâu về dài sẽ không có lợi”.

Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, theo lời PGS-TS. Nguyễn Hoàng Ánh, những lợi ích trước mắt từ hiệp định không phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

“GDP tăng lên nhưng không đủ bù đắp nổi các mất mát về môi trường hay quyền lợi của người lao động, đó là những điều không tính hết bằng tiền được”, bà Ánh nói với VOA.

Nhiều hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ qua cảng ở Seattle

Trung Quốc ‘thắng’, Mỹ ‘thua’?

Như VOA đã đưa tin, RCEP được khởi xướng vào năm 2012 và được coi là một cách để Trung Quốc, nước nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất khu vực, kiềm chế ảnh hưởng đang tăng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama.

RCEP chỉ lấy đà sau khi Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP vào năm 2017, trong khi Hoa Kỳ là kiến trúc sư chính của TPP.

Là nguồn hàng xuất nhập khẩu chính đối với đa số các thành viên RCEP, Trung Quốc ở vị thế có thể hưởng lợi và uốn nắn các quy định thương mại, nới rộng ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều mà cựu Tổng thống Obama đã tìm cách ngăn chặn.

Về lý thuyết, khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh kinh tế thông qua hợp tác với nhiều thành viên trong khối RCEP, đây là một đối trọng rất đáng kể với Mỹ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu


Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá với VOA rằng tuy Tổng thống Trump trong 4 năm qua tìm cách làm suy yếu thế lực của Trung Quốc với phương châm “Nước Mỹ trên hết” và tiến hành chiến tranh thương mại gây ảnh hưởng khá nặng đến Bắc Kinh, song trên thực tế, vị thế của Trung Quốc về địa-chính trị không lung lay, nếu không nói là còn mạnh hơn.

Theo tiến sĩ Hiếu, RCEP đi vào thực thi lúc này là một bước tiến nữa của Trung Quốc khi họ nắm vai trò dẫn đầu trong khối kinh tế lớn nhất toàn cầu, giành được lợi thế trong cạnh tranh với Mỹ. Ông Hiếu nói thêm:

“Trong cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, khi Trung Quốc mạnh hơn, có thể là vị trí của Mỹ sẽ bị tác động, không có lợi cho Mỹ. Về lý thuyết, khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh kinh tế thông qua hợp tác với nhiều thành viên trong khối RCEP, đây là một đối trọng rất đáng kể với Mỹ”.

Trung Quốc sẽ chiếm một vị thế lãnh đạo trong RCEP. Điều đó giúp Trung Quốc có không gian kinh tế khả thi và nó giống như một công cụ để Trung Quốc đối đầu với Mỹ trong cuộc xung đột địa-chính trị.
PGS-TS. Nguyễn Hoàng Ánh


Cũng về vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Hoàng Ánh có chung suy nghĩ. Bà nói:

“Với thực tế Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chiếm một vị thế lãnh đạo trong RCEP. Điều đó giúp Trung Quốc có không gian kinh tế khả thi và nó giống như một công cụ để Trung Quốc đối đầu với Mỹ trong cuộc xung đột địa-chính trị đang diễn ra với Mỹ hiện nay”.

Bà Ánh bình luận rằng 4 năm của Tổng thống Trump với việc ông rút khỏi các hiệp định quốc tế quan trọng, lạnh nhạt với các đồng minh và đối tác đã làm Mỹ thụt lùi, suy yếu. Bà mong rằng nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới với cái nhìn dài hạn hơn.

Sau cuộc bầu cử hôm 3/11, ông Joe Biden ra tuyên bố đã giành chiến thắng và nhận được lời chúc mừng từ nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài trong đó có các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, v.v… và Giáo hoàng Phanxicô. Đến nay, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chưa chấp nhận thất bại.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói với VOA rằng nếu ông Biden nắm quyền, có lẽ ông sẽ khôi phục lại chính sách xoay trục của Tổng thống Obama, nước Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc nhưng sẽ không có các hành động trừng phạt hoặc đe dọa trực tiếp giống như ông Trump đã làm.

“Mỹ sẽ làm gì để duy trì sức mạnh và vị trí số một trên thế giới trong cạnh tranh với Trung Quốc, chúng ta phải chờ xem”, ông Hiếu nói.