Việc nhà chức trách Việt Nam gần đây khẳng định đồng tính luyến ái không phải là bệnh và chỉ thị phải đối xử bình đẳng và tôn trọng những người thuộc cộng đồng này đang được khen ngợi là một “bước đi quan trọng đúng hướng” và là một điểm sáng hiếm hoi trong hồ sơ nhân quyền vốn bị nhiều chỉ trích của nước này.
Bộ Y tế Việt Nam vừa chỉ thị các sở y tế trực thuộc trung ương, các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bộ, và y tế các bộ ngành “chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính, và chuyển giới” sau khi có những báo cáo cho biết có những cơ sở khám chữa bệnh và bác sĩ tự nhận là chữa khỏi bệnh đồng tính.
“Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vậy nên đồng tính không thể “chữa”, không cần “chữa” và cũng không thể làm cách nào thay đổi được,” văn bản này nói, dẫn ra căn cứ khoa học làm tiền đề cho chỉ thị của bộ ban hành vào ngày 3 tháng 8.
“Đồng tính và chuyển giới đã được WHO đưa ra khỏi chương Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, trong Danh mục các bệnh Quốc tế (ICD) lần lượt vào năm 1990 và 2019,” bộ nói trước khi đưa ra những chỉ thị cho các sơ sở nằm dưới quyền của mình thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng đối với người đồng tính, song tính, và chuyển giới (LGBT).
Bước đi này được tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW), một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở ở Mỹ thường chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, hoan nghênh vì “đưa chính sách y tế của Việt Nam theo đúng tiêu chuẩn y tế và nhân quyền toàn cầu.”
“Việc Bộ Y tế Việt Nam công nhận rằng xu hướng tính dục và bản dạng giới không phải là bệnh sẽ trút bỏ gánh nặng cho người LGBT và gia đình họ trên khắp đất nước Việt Nam,” Kyle Knight, nghiên cứu viên cao cấp của HRW về quyền của người LGBT, được dẫn lời trong một thông cáo báo chí.
“Người LGBT ở Việt Nam đáng được tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế một cách bình đẳng không bị phân biệt, và văn bản hướng dẫn mới của Bộ Y tế là một bước đi quan trọng theo hướng đúng.”
HRW ghi nhận Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được một số tiến bộ về quyền của người LGBT. Năm 2013, chính quyền Việt Nam đưa kết hôn đồng tính ra khỏi danh sách các hình thức cấm kết hôn, dù quy định mới này không cho phép công nhận các mối quan hệ đồng tính về mặt pháp lý. Năm 2015, Quốc Hội sửa đổi Luật Dân sự khiến cho việc đổi tên và đăng kí giới tính đối với người chuyển giới không còn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật nữa.
Năm 2016, trong khi đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam biểu quyết tán thành một nghị quyết về việc cần có sự bảo vệ khỏi bạo hành và kì thị trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới tính. Phái đoàn Việt Nam phát biểu về quyết định ủng hộ trước khi biểu quyết rằng: “Lý do Việt Nam biểu quyết tán thành xuất phát từ các thay đổi về chính sách trong nước cũng như quốc tế liên quan đến quyền của người LGBT.”
Bình luận thêm về công văn của Bộ Y tế, ông Knight nói nó cho thấy chính phủ có khả năng phản ứng về các chiến dịch do xã hội dân sự điều hành, cải cách chính sách và bảo vệ quyền của người thiểu số phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
“Hồ sơ nhân quyền nói chung của chính phủ vẫn còn rất yếu, vì vậy hy vọng sự thay đổi tích cực và tôn trọng nhân quyền này đối với một nhóm thiểu số cho nhà chức trách thấy rằng họ có thể và nên thực hiện các cải cách mang tính bảo vệ rộng lớn hơn cho các nhà hoạt động và các nhóm khác,” ông nói qua email trả lời câu hỏi của VOA.
“Hồ sơ của Việt Nam về quyền của người LGBT có những điều tích cực và tiêu cực, nhưng tiến theo hướng tích cực trong mặt bằng khu vực. Khi những phát triển chính sách nghiêm túc về hôn nhân đồng tính và công nhận về mặt pháp lý cho người chuyển giới đang đạt tiến bộ ở những nơi như Thái Lan, chính phủ Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải cách để bắt kịp đà tiến.”
“Chỉ thị mới của Bộ Y tế sẽ có tác động lan tỏa khắp Đông Nam Á và thế giới như một tập tục tốt và nhà chức trách của Việt Nam nên coi đây là một bước trong quá trình rộng lớn hơn – đáng kể, nhưng chưa đầy đủ cho đến khi các biện pháp bảo vệ các quyền khác được ghi trong luật,” vẫn theo ông Kyle Knight.
Chỉ thị của Bộ Y tế Việt Nam nêu rõ không coi đồng tính, song tính và chuyển giới là một bệnh, và không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.
Bộ nhấn mạnh khi tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính và chuyển giới, phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kì thị đối với các đối tượng này. Bộ cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám chữa bệnh hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Hàng Minh Thoại, một thành viên của cộng đồng LGBT ở thành phố Hồ Chí Minh, nói với VOA anh “rất mừng” về quyết định của Bộ Y tế vì nó giúp “giải đáp một số thắc mắc về cộng đồng LGBT là gì.”
Trúc Hạ, một người chuyển giới và là thành viên của một đoàn hát lô tô giải trí, nói với VOA rằng hiện tại cái nhìn của xã hội đối với cộng đồng LGBT trong những năm gần đây đã thoáng hơn và nhiều người không còn phải giấu diếm thân phận của họ như trước đây.
“Đáng lẽ ra là [người LGBT] phải được công nhận từ rất lâu rồi bởi vì cơ bản đồng tính không phải là sự ép buộc, không hại ai cả thì tại sao chúng ta phải xem nó là bệnh,” anh nói. “Với sự công nhận này, hy vọng cộng đồng LGBT nói riêng cũng như toàn thể những người là dị tính hay đồng tính sắp tới đây sẽ cảm thấy chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn về cộng đồng LGBT.”
Dù chỉ thị mới này là một bước quan trọng và tích cực, nhưng việc thiếu các biện pháp bảo vệ chống lại kì thị đối với người LGBT vẫn là một “khoảng trống rõ ràng và hệ trọng” cần được thu hẹp, Kyle Knight của tổ chức HRW nói.
“Ngoài ra, nhà chức trách Việt Nam nên thực sự áp dụng chỉ thị y tế này trong các trường học để cải thiện giáo dục giới tính và soạn chương trình giảng dạy dựa trên thực tế và mang tính bao hàm,” ông kiến nghị.
“Những hiểu biết có cơ sở, dựa trên khoa học và dựa trên quyền về giới tính và tính dục mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, không chỉ giới trẻ LGBT, và hiện nay với sự hậu thuẫn của Bộ Y tế, các cơ quan quản lý giáo dục nên theo bước và tiếp tục thông qua chính sách hình mẫu cho khu vực về cách bảo vệ và tôn trọng người LGBT.”