Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn của Việt Nam và Vương Nghị của Trung Quốc đã có cuộc gặp mặt song phương bên lề Hội nghị Mekong – Lan Thương tại Myanmar, trong đó hai bên bày tỏ mong muốn giải quyết các bất đồng trong bối cảnh căng thẳng tăng cao về chủ quyền biển đảo giữa hai nước.
Cuộc gặp của hai bộ trưởng diễn ra không lâu sau khi Việt Nam lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền khi tiến hành tập trận quân sự ở quần đảo Hoàng Sa mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Đưa tin về cuộc gặp của ông Sơn và ông Vương hôm 4/7 nhân dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 7 tại Bagan, truyền thông trong nước cho biết Bộ trưởng Sơn khẳng định Việt Nam “nhất quán coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, mong muốn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển lành mạnh, bền vững, lâu dài với tin cậy chính trị ngày càng cao.”
Việt Nam và Trung Quốc, dù là hai quốc gia Cộng sản láng giềng, nhưng luôn có những xung đột về chủ quyền biển đảo trong nhiều năm qua. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước xuống mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc đưa một dàn khoan dầu vào thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 và sau đó tiến hành các cuộc khảo sát địa chấn ở khu vực mà Việt Nam nói là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình. Việt Nam cũng nhiều lần tố cáo Trung Quốc có hành động quân sự hóa Biển Đông hay đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá trong vùng biển có tranh chấp.
Tại cuộc gặp ở Myanmar hôm 4/7, ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc đã thảo luận về Biển Đông bên cạnh nhiều vấn đề khác trong mối quan hệ giữa hai nước, theo Người Lao Động.
Tờ báo này cho biết, ông Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, và “cùng giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”
Trong khi đó báo Lao Động trích dẫn ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định mong muốn giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, hiệp thương. Theo ông Vương, kiêm ủy viên Quốc vụ, Trung Quốc muốn sẵn sàng cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thực hiện tốt Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải.
Trong thông cáo đưa ra sau cuộc gặp này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai bên đã nhất trí lấy kỷ niệm 20 năm ngày ký DOC trong năm nay là cơ hội để tích cực thúc đẩy tiến trình tham vấn của COC. Vẫn theo BNG ở Bắc Kinh, ông Vương và ông Sơn đề cao sự đồng thuận trong việc xử lý các xung đột cũng như khác biệt, và thúc đẩy hợp tác hàng hải.
Theo truyền thông trong nước, ngoài vấn đề Biển Đông, hai ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc còn trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm trong cuộc gặp bên lề ở MLC, một hội nghị thường niên có sự tham gia của 5 nước vùng sông Mekong – gồm cả Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Trong cuộc điện đàm hồi tháng 4, ông Sơn và ông Vương cũng đã thảo luận về vấn đề Biển Đông và tình hình Ukraine. Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó trấn an người đồng cấp phía Việt Nam rằng sẽ không để xảy ra “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và không để “thảm kịch Ukraine lặp lại trong khu vực.
Tương tự như trong cuộc điện đàm lần trước, trong cuộc gặp song phương ở Myanmar hôm 4/7, ông Vương nói rằng Việt Nam và Trung Quốc là “những nước láng giềng xã hội chủ nghĩa thân thiện” và “cùng chia sẻ mức độ cao các lợi ích chiến lược chung”. Theo BNG Trung Quốc, ông Vương đề nghị hai bên duy trì đối thoại chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, “đồng lòng trên chặng đường mới phát triển xã hội chủ nghĩa” và "đóng góp nhiều hơn cho hòa bình cũng như thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới."
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều hai lần bỏ phiếu trắng từ chối lên án Nga xâm lược Ukraine và bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.