Việt Nam đang trên đà loại Vương quốc Anh ra khỏi vị trí lâu năm trong nhóm 7 đối tác thương mại hàng hóa đứng đầu của Mỹ trong năm nay khi quốc gia Đông Nam Á ngày càng có tỷ trọng thương mại tăng cao với Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu của Cục điều tra Dân số Hoa Kỳ, tỷ trọng thương mại hàng hóa của Anh với Mỹ đã giảm xuống còn 2,6% trong 10 tháng đầu năm nay trong khi con số này của Việt Nam với Mỹ đã tăng lên ở mức 2,7%.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với Mỹ tính đến tháng 10 năm nay là 119,4 tỷ USD, cao hơn 4,2 tỷ USD so với tổng giá trị trao đổi hàng hóa giữa Anh và Mỹ cùng thời gian này.
Trong gần 20 năm trở lại đây, 7 đối tác hàng đầu của Mỹ về thương mại hàng hóa luôn là Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Vương quốc Anh, mặc dù vị trí của các nước này đã thay đổi, theo thống kê của Bloomberg.
Việt Nam đã không xuất hiện trong danh sách 15 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ cho đến năm 2019 và đã tăng hạng kể từ đó cho đến khi vươn lên vị trí số 10 vào năm ngoái. Nếu Việt Nam tiếp tục có tỷ trọng hàng hóa thương mại với Mỹ cao hơn của Anh với Mỹ trong hai tháng cuối năm nay, đây sẽ là lần đầu tiên các nước châu Á chiếm phần lớn trong số 7 nền kinh tế đứng đầu về trao đổi hàng hóa với Mỹ.
Các con số này phản ánh xu hướng thương mại giữa Mỹ và các nước trước cả đại dịch và được đẩy nhanh sau khi COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, theo Bloomberg. Tỷ trọng của Trung Quốc trong thương mại hàng hóa với Mỹ, đứng ở mức 13,2% trong tháng 10, đã giảm xuống đáng kể từ khi đạt đỉnh 16,4% trong cả năm 2017.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu từ thời Tổng thống Donald Trump sau khi ông nhậm chức năm 2017, đã khiến các công ty Mỹ tìm kiếm nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc và làm tỷ trong thương mại của Mỹ với các nước khác như Mexico và Việt Nam tăng lên. Đại dịch COVID lại càng khiến việc chuyển dịch dây chuyền sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc sang các nước như Việt Nam thêm nhanh chóng và thúc đẩy thêm thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11 đã tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Còn thống kê của Cục điều tra Dân số Hoa Kỳ cho thấy giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 109,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ khi hai nước bắt đầu giao thương hàng hóa vào năm 1992, tính đến tháng 10 năm nay. Vẫn theo thống kê này, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trị giá hơn 9,7 tỷ USD.
Trong khi đó, giữa đại dịch và Brexit, nền kinh tế của Anh đã trải qua một vài năm đầy biến động và triển vọng cho năm 2023 sẽ không sớm được cải thiện, theo nhận định của Bloomberg. Theo đó, các doanh nghiệp của Anh đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái tồi tệ hơn sau khi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sụt giảm trong quý 4.
Nếu bị Việt Nam, quốc gia đang dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế, thay thế trên vị trí thứ 7, đây sẽ là lần đầu tiên Vương quốc Anh không nằm trong nhóm 7 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ít nhất kể từ năm 2004.