Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đốc thúc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vốn đã bị xếp xó từ lâu và đặt ra quyết tâm Việt Nam phải có điện hạt nhân vào năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, theo tìm hiểu của VOA.
Ông Chính đưa ra chỉ thị này tại phiên họp đầu tiên tại trụ sở Chính phủ vào ngày 15/1 của Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà ông ký quyết định thành lập cách nay vài ngày và do đích thân ông làm trưởng ban, báo Chính phủ và báo Nhân dân cho biết.
Mục tiêu ông Chính đặt ra là phải gấp rút hoàn thiện nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam trong thời hạn 5 năm, hai tờ báo này cho biết, với tinh thần ‘quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt’.
Từ đó, người đứng đầu chính phủ Việt Nam yêu cầu tập trung nhân lực, hoàn tất quy hoạch, hoàn thiện chính sách thuế, tín dụng, đất đai, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hạ tầng cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó cho phép sử dụng sân bay quân sự Thành Sơn ở Ninh Thuận, báo Chính phủ cho biết.
Do công nghệ điện hạt nhân là công nghệ tiên tiến ít nước làm được nên ông Chính cũng yêu cầu tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), theo tờ Nhân dân.
Tại buổi hội đàm hôm 14/1, ông Chính đã đề xuất với người tương nhiệm Nga Mikhail Mishustin giúp đỡ đào tạo nhân lực, nguồn vốn, công nghệ để Việt Nam thực hiện nhà máy điện hạt nhân, trang mạng VnExpress cho biết, trong khi Thủ tướng Nga thể hiện sự sẵn sàng giúp Việt nam trong lĩnh vực này bên cạnh khai thác dầu khí và mua bán vũ khí.
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và có nhu cầu điện năng rất lớn để phục vụ sản xuất. Miền bắc nước này, nơi đặt nhà máy sản xuất của nhiều tập đoàn lớn từng xảy ra tình trạng cúp điện trên diện rộng gây gián đoạn sản xuất hồi mùa hè năm 2023.
Ông Chính được dẫn lời nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo rằng tăng trưởng điện phải từ 15 đến 18% mới đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng GDP 2 con số, Nhân dân cho biết.
Ông nhấn mạnh đây là chủ trương quan trọng của Đảng Cộng sản để thực hiện mục tiêu Việt Nam ‘có các ngành khoa học công nghệ đột phá’ trong ‘kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc’.
Tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ hôm 13/1, Tổng bí thư Tô Lâm đã yêu cầu cần đảm bảo hạ tầng năng lượng cho phát triển kinh tế trong 5-10 năm tới, nhất là năng lượng sạch, trong đó có điện hạt nhân.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị đình chỉ hồi năm 2016 do những lo ngại về vấn đề an toàn, chi phí tăng cao và bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Đến cuối tháng 11 năm 2024, Quốc hội đã quyết định tái khởi động dự án theo đề xuất của Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.