Ngày 24/11/2015 quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ Luật Dân Sự (sửa đổi) trong đó chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính – một điều được coi là dấu mốc quan trọng đối với cộng đồng người chuyển giới trong nước.
Hơn 80% phiếu bầu của Quốc Hội đã tán thành điều khoản 37 của bộ luật này, trong đó công nhận việc chuyển đổi giới tính trên luật pháp, và ghi rằng: “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”
Điều 37 được thông qua có nghĩa là hàng trăm nghìn người chuyển giới được thừa nhận về mặt pháp lý, được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính hợp pháp ở Việt Nam và được thay đổi họ tên, giới tính trên giấy tờ tùy thân. Điều này được coi là sẽ tạo ra nền tảng để loại bỏ các phân biệt đối xử mà người chuyển giới gặp phải hàng ngày trong nhiều mặt của xã hội như y tế, giáo dục, việc làm và sở hữu tài sản.
Bộ luật Dân Sự năm 2005 và Nghị định 88 nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính và không thừa nhận giới tính của những người đã phẫu thuật chuyển đổi giới. Trong khi đó nhu cầu chuyển giới ở Việt Nam là khá cao. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu Xã Hội, Kinh Tế và Môi Trường (iSEE) thì “cứ 5 người chuyển giới ở Việt Nam thì có 4 người có mong muốn phẫu thuật chuyển giới.” Khảo sát này cũng cho biết hơn 86% những người chuyển giới muốn được thay đổi tên mà không nhất thiết phải trải qua phẫu thuật chuyển giới.
Việc thông qua của quốc hội đối với điều luật này cũng thể hiện việc công nhận pháp lý đối với một bộ phận không nhỏ trong xã hội Việt Nam và sự hòa nhập với xu thế chung của thế giới.
Đại biểu Phan Trung Lý của Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội đã giải trình trước khi các đại biểu nhấn nút biểu quyết rằng: “Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.”
Bộ Y Tế chính là nhân tố chính trong cuộc vận động để đưa quyền của người chuyển giới vào bộ luận sửa đổi này. Theo dữ liệu của bộ Y Tế, có ít khoảng 1.000 người Việt Nam đã chuyển giới đang chờ được đổi tên và giới tính trong giấy khai sinh. Và cũng theo bộ Y Tế cho biết, khoảng 500.000 người ở Việt Nam đang có giới tính khác với giới tính khi sinh ra.
Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đang gửi đi những thông điệp mâu thuẫn về quyền của cộng đồng người đồng tính và chuyển giới. Đầu năm nay, Việt Nam đã bỏ lệnh cấm đối với các lễ cưới của các cặp đôi đồng tính nhưng chính phủ vẫn không công nhận tính hợp pháp của những cặp đôi này.
Theo Nghị định ban hành năm 2008 của chính phủ, việc chuyển đổi giới tính bị giới hạn chặt chẽ đối với những người không có đầy đủ các bộ phận sinh dục và những người có cả 2 bộ phận sinh dục nam và nữ. Các quy trình phẫu thuật này chỉ được phép thực hiện tại một số bệnh viện được chỉ định.
Tuy nhiên, việc thông qua bộ luật sửa đổi mới này được cộng đồng LGBT ở Việt Nam hoanh nghênh như một bước tiến của chính phủ trong việc tiến tới công nhận hôn nhân đồng tính và dân chủ hóa hơn quyền con người.
Tuy nhiên những người chuyển đổi giới còn phải chờ đến hơn 1 năm nữa, khi điều luật này chính thức có hiệu lực từ vào đầu năm 2017, và sẽ cần có thêm văn bản pháp luật hướng dẫn trước khi người chuyển giới có thể thực hiện quyền của mình.
(Nguồn: iSEE, Thanh Niên, Nhân Dân, Luật Dân Sự)