Việt Nam hôm thứ Năm cảnh cáo sẽ xử lý những cá nhân có hành vi cản trở giao thông tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT), trong bối cảnh hàng loạt những vụ phản kháng nổ ra tại các trạm này ở các tỉnh miền trung và miền nam từ nhiều tháng qua.
Các vụ phản kháng bắt đầu nổ ra vào mùa hè năm 2017. Những người phản đối nói rằng nhiều đường tránh làm theo phương pháp BOT với vốn tư nhân nằm ở một nơi, trong khi trạm thu phí lại đặt trên đường quốc lộ làm từ tiền thuế của dân, để thu phí cho con đường BOT gần đó mà người dân không thường xuyên đi qua. Vì lý do này, nhiều tài xế chuyên nghiệp lẫn người dân thường xuyên phải qua lại các con đường quốc lộ cho rằng việc thu phí và vô lý, không chấp nhận được.
Một trong những vụ phản kháng gây chú ý nhất là tại trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi các tài xế dùng chiến thuật trả tiền lẻ, gây ùn tắc xe cộ khiến trạm phải mở cho xe đi qua miễn phí trong hầu hết thời gian từ tháng 8 năm ngoái đến nay.
Sau một khoảng thời gian lắng dịu vào cuối năm 2017, một loạt vụ phản kháng lại diễn ra vào đầu năm 2018 tại các trạm BOT ở những tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, và thành phố Cần Thơ.
Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18 tháng 1 về “bảo đảm an ninh trật tự” tại các BOT, trong đó Thủ tướng khẳng định việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là “chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai” dù thừa nhận có “một số tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục.”
“Các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư,” công điện nói, dẫn ra trường hợp ở Cai Lậy.
Công điện cảnh báo rằng nếu không xử lý các vụ phản kháng tại các trạm BOT “thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.”
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cung cấp cho bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có liên quan đến “đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá,” cũng như giao cho Bộ Công an, cùng với bộ Quốc phòng, công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông.”
“Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật,” công điện nói thêm.
Các báo lớn ở Việt Nam trong hơn nửa năm qua đã có những bài phân tích về bản chất của BOT.
Trang Zing News gọi BOT là “mảnh đất màu mỡ của quan hệ thân hữu.” Báo Thanh Niên cho rằng BOT đã bị “biến chất” trong khi trang điện tử của Thông tấn xã Việt Nam cảnh báo rằng khi BOT trở nên “méo mó,” điều đó “tiềm ẩn rủi ro” cho các ngân hàng.