Việt Nam cần đổi tên nước?

Vietnam map

Trà Mi kính chào quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên của đài VOA.

Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nêu rằng khi bỏ cụm từ XHCN, Việt Nam sẽ tranh thủ được cảm tình của quốc tế. Trước nay thế giới chưa bao giờ có cảm tình với các quốc gia cộng sản cả. Đổi tên nước mà không đổi các định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế, và cách thức làm việc của nhà nước, không nới lỏng các quyền tự do-dân chủ cho người dân thì đổi tên nước để làm gì?
Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đề xuất đổi tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như tên khai sinh trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Quốc hiệu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được dùng từ năm 1976 tới nay theo chủ ý của đảng cộng sản cầm quyền muốn đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội như tuyên bố của Quốc hội khóa VI rằng ‘Nhân dân ta, dân tộc ta có đầy đủ mọi khả năng và nghị lực để thực hiện nhiệm vụ vĩ đại đó, giành thắng lợi hoàn toàn cho chủ nghĩa xã hội’.

Thế nhưng, sau mấy thập niên đất nước vẫn trong giai đoạn ‘quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội’, nay các nhà làm luật trong nước lại đề xuất bỏ quốc hiệu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khiến công chúng chú ý và tranh luận về lợi-hại cũng như ý nghĩa thực tế của việc này.

Quan điểm của giới trẻ thế nào? Tạp chí Thanh niên ghi nhận trong cuộc thảo luận hôm nay với 4 bạn trẻ từ Sài Gòn và Đà Nẵng.

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào đây để nghe toàn bộ cuộc thảo luận

Duy: Khi thấy đề xuất này được đăng công khai trên các mặt báo lớn của chính quyền Việt Nam kiểm soát, tôi có phần hơi ngạc nhiên. Sau khi đọc các bài báo đó, tôi nhận thấy dẫu CHXHCN Việt Nam có đổi thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cũng không ảnh hưởng gì, không thay đổi gì đối với thể chế và bản Hiến pháp đang được đưa ra bàn thảo sửa đổi. Trước đây, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng đã đề xuất đổi tên nước CHXHCN Việt Nam thành quốc hiệu duy nhất Việt Nam để hòa hợp, hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, sau đó không lâu, ông ta bị chính quyền bỏ tù vì lý do “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Điều này có thể thấy rằng ý kiến thay đổi tên nước là một điều hết sức nhạy cảm từ trước tới nay tại Việt Nam, nhưng nay lại được đưa lên mặt báo để bàn luận công khai. Tôi cho đây là hiện tượng hết sức đáng quan tâm.

Sơn: Đổi quốc hiệu là việc rất ư hệ trọng của quốc gia cần được đưa ra thảo luận công khai, rộng rãi, với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Nếu đổi tên mà đất nước vẫn không có tự do-dân chủ cho nhân dân thì không nên đổi. Còn nếu thật sự lãnh đạo đảng và nhà nước quyết tâm muốn đưa đất nước Việt Nam tiến lên dân chủ-tự do thì rất nên đổi tên nước. Về quốc hiệu, tôi đồng ý với giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng nên đổi thành Cộng hòa Dân chủ Việt Nam vì tên cũ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gắn liền với Cải cách Ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, và Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng liên quan đến chủ quyền biển đảo.

Thành
: Đề xuất thay đổi tên nước là một bất ngờ đối với mình. Nhà nước đang kêu gọi dân góp ý thay đổi Hiến pháp nhưng mình thấy mọi người không mấy hưởng ứng vì thay đổi cũng như không. Mọi cái không theo quy trình tự do, mà theo sự áp đặt của chính quyền. Cho nên, việc thay đổi tên nước, theo mình, là một việc làm chính trị. Thật ra thay đổi tên nước hay không, không quan trọng. Quan trọng ở chỗ nhà nước mình có thay đổi hay không, chính quyền có chịu thay đổi thái độ, lối tư duy, hệ thống làm việc hay không. Nước mình theo kiểu độc đảng trị, việc này sẽ không dẫn tới sự thay đổi gì quan trọng hết.

Giang: Bây giờ xã hội đi lên, đời sống người dân cao hơn, anh phải có một thể chế mới. Hồ Chí Minh lúc trước cũng đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi nghĩ nay lên quay lại thể chế cộng hòa, đó là điều thiết thực. Người dân bây giờ đang mong đợi điều đó. Việt Nam độc đảng, đảng thâu tóm mọi quyền lợi cho họ chứ không để cho dân có tiếng nói. Ủy ban sửa đổi dự thảo Hiến pháp đề xuất đúng. Tôi đồng ý với việc đó.

Trà Mi: Ý nghĩa hai cụm từ CHXHCN và DCCH có những đặc điểm thế nào, khác nhau như thế nào mà mình cần hay không cần phải sửa đổi? Quốc hiệu nào phản ánh đúng thực tiễn, phù hợp với bản chất, tình hình, và đặc điểm của đất nước Việt Nam?

Duy: Quốc hiệu CHXHCN không phản ánh đúng tình hình thực tế của đất nước Việt Nam hiện nay. Từ 1986 khi đổi mới, đảng cộng sản Việt Nam đã làm ngược lại chủ thuyết Mác-Lênin khi chấp nhận nền kinh tế thị trường thay cho nền kinh tế tập trung bao cấp của học thuyết Mác-Lênin. Chấp nhận đa sở hữu, nhiều thành phần kinh tế khác nhau là đã phản lại học thuyết mà đảng cộng sản Việt Nam thường coi là “sách gối đầu giường” của họ. Tôi nghĩ bỏ cụm từ XHCN là việc rất thiết thực. Tuy vậy, khi bỏ cụm từ Dân chủ vào tên nước tôi không nghĩ có thay đổi gì lớn vì “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Có rất nhiều chính thể mang tên Dân chủ mà hoàn toàn không cho người dân bất kỳ quyền tự do-dân chủ nào. Như cái tên mỹ miều Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, ở nước đó người dân không hề được hưởng bất kỳ quyền tự do nào. Họ cố tình bỏ từ Dân chủ vào tên nước để làm bình phong cho mục đích chính trị của họ. Tôi nghĩ bỏ cụm từ XHCN ra khỏi tên nước Việt Nam là việc tất yếu phải xảy ra, nhưng khi sửa tên nước thì cần đổi luôn thể chế, cách thức làm việc của nhà nước, đặc biệt là phải thực hiện những quyền tự do-dân chủ của người dân. Đó mới là sự thay đổi thực tế mà ai cũng mong muốn, chứ không phải chỉ thay đổi tên nước thì có thể giải quyết được các vấn đề.

Trà Mi: Mời các bạn khác góp ý thêm.

Sơn: Nhìn vào tình hình thực tế hiện nay, người ta đang phấn đấu xây dựng dân chủ trên toàn thế giới. Đó là điều hiển nhiên và việc đổi tên nước Việt Nam rất cần thiết, phải bỏ cụm từ XHCN đi.

Giang: Bây giờ chẳng có ai đi theo xu hướng xã hội chủ nghĩa đó cả. Liên Xô đi theo con đường này rốt cuộc cũng phải giải tán. Bây giờ không lẽ còn mình Việt Nam ở lại làm xã hội chủ nghĩa? Tôi đồng ý là “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng mình hy vọng. Cái gì cũng phải thay đổi từ từ. Thay đổi tên nước bây giờ cũng không đơn giản. Nó kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, hành pháp, tư pháp, rất nhiều cái liên đới trong đó. Hy vọng là sau khi đổi tên nước, cơ cấu chính trị sẽ được thay đổi. Con người càng ngày càng phải tiến bộ thôi. Chẳng ai bây giờ muốn đi theo các nước xã hội chủ nghĩa nữa vì đó là những nước độc đoán, không cho dân có tiếng nói. Hy vọng tương lai họ sẽ cho lập pháp, hành pháp kiểm tra chéo nhau để người dân có tiếng nói hơn và đất nước đi lên hơn nữa. Mình nghĩ hiện tại trong chính phủ cũng có một số người tiến bộ, nhưng họ không dám nói ra và không làm được vì bên độc đoán còn quá nhiều. Các bạn phải hiểu ở Việt Nam không thể nào làm cái gì một lúc ngay được. Anh chỉ ló ra là bị bắt ngay.

Trà Mi: Từ tháng 7/1976, tên nước được đổi thành CHXHCN Việt Nam với ý định tiến lên xã hội chủ nghĩa. Bây giờ đổi lại như cũ chẳng lẽ nào phủ nhận con đường định hướng của đảng và nhà nước bấy lâu nay hay sao?

Duy: Khi Liên Xô sụp đổ, những nhà lý luận Maxist tiên tiến nhất bậc thầy mà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam hay học tập đã không còn có thể phát triển học thuyết Mác-Lênin lên một tầm cao nữa. Họ không thể nào đưa Việt Nam đi đến tương lai như mơ. Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nêu rằng khi bỏ cụm từ XHCN, Việt Nam sẽ tranh thủ được cảm tình của quốc tế. Trước nay thế giới chưa bao giờ có cảm tình với các quốc gia cộng sản cả. Đổi tên nước mà không đổi các định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế, và cách thức làm việc của nhà nước, không nới lỏng các quyền tự do-dân chủ cho người dân thì đổi tên nước để làm gì? Đổi tên nước sẽ phải trả các khoản chi phí rất lớn như thay đổi tất cả thủ tục giấy tờ, in lại tiền mà lại không có một ý nghĩa thiết thực nào mà tôi có thể nhìn thấy được. Tôi dự đoán ý kiến này sẽ rất khó trở thành hiện thực. Nếu họ muốn Việt Nam đi theo con đường dân chủ, trở thành đất nước tôn trọng nhân quyền thì họ phải có lộ trình rõ ràng như Miến Điện. Miến chuyển từ một quốc gia độc tài hướng sang một thể chế dân chủ với những tiến trình rất rõ ràng mà trứơc nhất là nới lỏng các quyền về tự do báo chí, nới lỏng kiểm duyệt, cho phép tư nhân thành lập các tờ báo độc lập, cho phép đảng đối lập được công khai tranh cử, hoạt động. Nếu những người lãnh đạo ở Việt Nam có tâm, muốn Việt Nam phát triển theo con đường dân chủ để huy động sức mạnh toàn dân, làm đất nước giàu mạnh, họ phải đề ra những bước đệm để chuyển từ thể chế độc tài sang thể chế dân chủ. Chuyện đổi tên nước nên là bước cuối cùng trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Trà Mi: Trong cuộc tái ngộ vào giờ này tuần sau, chúng ta sẽ nghe những ý kiến của người trẻ về trách nhiệm và đóng góp giúp Việt Nam tiến tới một nền dân chủ thực thụ theo đúng quốc hiệu mà các bạn ủng hộ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Mong quý vị nhớ đón nghe.

Qúy vị và các bạn muốn chia sẻ quan điểm về đề xuất đổi tên nước Việt Nam hoặc muốn góp ý tham luận với các khách mời của chương trình và bạn đọc khắp nơi, xin vui lòng gửi vào phần Ý Kiến dưới đây.

Trà Mi hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA tuần tới.