Bộ Công thương cho biết Việt Nam trong tháng này sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nội thất có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo một thông báo mà Bộ này đưa ra hôm 3/10, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế, và 35,2% đối với sản phẩm bàn.
Bộ Công thương Việt Nam đã điều tra hàng hóa từ cả Trung Quốc và Malaysia liên quan đến hành vi bán phá giá. Nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Malaysia ở mức không đáng kể, dưới 3%, nên các sản phẩm bàn ghế từ nước này được Bộ Công thương Việt Nam loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời.
Lượng nhập khẩu bàn ghế từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng “cả về tuyệt đối và tương đối” so với tổng lượng tiêu thụ nội địa cũng như sản lượng hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước, theo Bộ Công thương. Bộ này cho biết đó là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.
Hai mức thuế chống bán phá giá cho hàng hóa của Trung Quốc sẽ được áp dụng trong 4 tháng bắt đầu từ giữa tháng này.
Sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc cũng đang bị Việt Nam áp loại thuế tương tự.
Báo Chính phủ hồi tháng 4 năm ngoái cho biết sau hơn một năm áp thuế chống bán phá giá với nhôm Trung Quốc, Bộ Công Thương tiếp tục gia hạn quy định này với mức thuế tăng lên, ở mức 4,39-35,58%. Việc bán phá giá nhôm của Trung Quốc đã gây “thiệt hại nặng nề” cho ngành sản xuất nhôm của Việt Nam, khiến hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều thua lỗ và nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động trong khi một số lượng lớn lao động phải nghỉ việc.
Thép cuộn cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc cũng đang bị Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với mức thuế suất lên đến trên 25% trong 5 năm từ tháng 12/2020. Mục đích của việc áp thuế này cũng là để “ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước”. Trước đó vào tháng 5/2020, Bộ Thương mại Mỹ mở một cuộc điều tra xem liệu các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam có phải là thép Trung Quốc được gia công ở quốc gia Đông Nam Á để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế hay không.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam cũng như là nguồn cung cấp nguyên vật liệu và thiết bị chính cho ngành sản xuất của quốc gia Đông Nam Á. Thống kê do Tạp chí Thương trường đưa ra đầu năm nay cho thấy riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến hơn 33% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong năm 2021.