Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa ký quyết định ân giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án giữa lúc cộng đồng quốc tế kêu gọi Việt Nam nên xóa bỏ án tử hình.
Ngày 27/12, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước, Cổng thông tin Chính phủ loan tin hôm 28/12, nhưng không nêu danh tính người được ân giảm.
Quyết định ân giảm này “thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mở ra cho họ con đường được sống, ăn năn hối cải, phục thiện, cải tạo để có cơ hội trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội”, truyền thông nhà nước cho biết.
Động thái này diễn ra trước khi Hội đồng Nhân quyền LHQ tổ chức phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam vào tháng 4/2024, theo đó sẽ xem xét các vi phạm nhân quyền của Việt Nam, trong đó có án tử hình.
Tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Geneva chu kỳ III vào năm 2019, đại diện Việt Nam nói vẫn duy trì án tử hình, xem đây là “biện pháp cần thiết để ngăn ngừa các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Tại kỳ UPR 2019, Việt Nam nhận được khuyến nghị từ Phần Lan, Georgia, Iceland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Albania, Áo, Australia và Argentina cũng như từ Pháp, Luxembourg, New Zealand và Uruguay về việc nên xóa bỏ án tử hình. Tuy nhiên, Việt Nam bác bỏ tất cả các khuyến nghị này, ngoại trừ khuyến nghị của Bỉ và Thụy Điển theo đó nên hạn chế tội tử hình đối với các tội phạm “nghiêm trọng nhất” và giảm tội danh tử hình.
Từ bang Georgia, Hoa Kỳ, nhà hoạt động Trần Thị Nga, nêu nhận định với VOA về án tử hình tại Việt Nam:
“Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam nên lắng nghe ý kiến của người dân cũng như ý kiến của các tổ chức quốc tế để bãi bỏ tội tử hình. Chứ như bây giờ tội tử hình và đặc biệt là những người đang kêu oan suốt như thế này mà cũng mang người ta ra để tử hình thì đó là một điều hết sức độc ác”.
Vào tháng 10/2023, một chuyên gia của LHQ bày tỏ sự thất vọng trước việc Việt Nam xử tử ông Lê Văn Mạnh bất chấp những lời kêu gọi từ các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế đòi ngừng thi hành bản án mà họ cho là “oan sai”.
Ông Tidball-Binz, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các vụ hành quyết phi luật lệ, cẩu thả và tùy tiện, còn kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét việc tạm ngừng áp dụng hình phạt tử hình và tiến hành rà soát một cách có hệ thống tất cả các trường hợp sử dụng hình phạt tử hình.
Trước đó, các luật sư đại diện cho gia đình ông Mạnh khi gửi thỉnh nguyện thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói rằng họ “thực sự nhận thấy… các vấn đề được coi là sai sót, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này”.
Ngoài ông Lê Văn Mạnh, hiện còn hai tử tù được xem là bị xử “oan sai” mà cộng đồng quốc tế kêu gọi hoãn thi hành án, gồm ông Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng.
Chuyên gia của LHQ kêu gọi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, hãy công bố thông tin về việc sử dụng hình phạt tử hình và thông tin về việc sử dụng hình phạt này hàng năm, trong đó đưa ra số người bị kết án tử hình và số bản án tử hình được hủy bỏ hoặc giảm nhẹ khi kháng cáo.
“Các quy định của pháp luật Việt Nam về án tử hình hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế; phù hợp với xu hướng của thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay”, truyền thông nhà nước lặp lại thông điệp này hồi đầu tháng 12 năm nay.
Trong nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam không công bố số liệu án tử hình vì “liên quan đến bí mật nhà nước”.
Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 18 tội danh có mức phạt cao nhất là tử hình, trong số này có tội phạm về ma túy, lật đổ chính quyền, khủng bố.
Theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố hồi tháng 5/2023, Việt Nam đứng thứ tám trên bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án tử hình. Vẫn theo tổ chức này, Việt Nam cùng với Trung Quốc và Triều Tiên là những quốc gia còn che giấu số liệu về án tử hình.
Việt Nam nói đã thực hiện “thành công” 86,7% các khuyến nghị UPR chu kỳ III, và cho rằng nước này “rất coi trọng” tiến trình rà soát UPR, “luôn bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan trên nguyên tắc minh bạch, hợp tác, đối thoại thực chất và xây dựng”.
Hồi tháng 8/2023, Chủ tịch Thưởng cũng đã có quyết định ân giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 11 bị án, theo truyền thông trong nước.
Trong năm 2022, Việt Nam 2 lần ra quyết định ân giảm từ án tử hình xuống chung thân cho 31 trường hợp, trong đó có 4 người nước ngoài.
Your browser doesn’t support HTML5