Việt Nam 24h (13.6.2016)

Việt Nam đồng loạt rút bài về ông Đinh La Thăng
Truyền thông trong nước gỡ bài có dẫn lời Bí thư Thành ủy Sài Gòn kêu gọi “vượt lên thù hận” liên quan vụ tranh cãi về vai trò của cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey trong vụ thảm sát ở Bến Tre năm 1969 thời chiến tranh Việt Nam. Bấm vào đường dẫn tới bài “Bí thư Đinh La Thăng: Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn” của báo Tuổi Trẻ, một trang trắng hiện ra với dòng chữ “Nội dung không tìm thấy”.

Việt Nam bác tin ‘cá chết vì bị đầu độc’ ở Lý Sơn
Chính quyền huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói thông tin “cá chết hàng loạt do bị đầu độc” xuất hiện trên mạng xã hội là “bịa đặt”. Báo chí trong nước dẫn lời ông Nguyễn Thành Phát, Phó trưởng Công an huyện Lý Sơn, cho biết “đã đi điều tra” và “không có chuyện cá chết ở Lý Sơn là do bị đầu độc”. Ông Phát nói cá chết ở Lý Sơn là do “trời nắng nóng và có dòng nước nóng của hải lưu đi qua các lồng bè, gây cá chết hàng loạt”.

Việt Nam bắt ‘dân oan’ Cấn Thị Thêu
Người phụ nữ từng cùng nhiều “dân oan Dương Nội” đi đòi đất đã bị công an Hà Nội bắt chiều 11/6 vì “hành vi gây rối trật tự công cộng”. Báo chí nhà nước dẫn lời đại diện chính quyền cho biết bà Cấn Thị Thêu “bị bắt theo điều Điều 245 Bộ luật Hình sự”. Gia đình bà Thêu khẳng định bà không làm gì sai. Ngoài xuống đường đòi đất, bà Thêu mới đây cùng nhiều người dân tham gia biểu tình đòi lại biển sạch sau vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Chia sẻ trên mạng để làm gì?
Thảm họa cá chết đang khơi dậy những tranh cãi về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam trong cuộc chiến không cân sức giữa người dân dùng mạng truyền thông xã hội để bày tỏ quan điểm với các quyền lực ngăn chặn, kiểm soát thông tin từ nhà nước. Tâm điểm gây chú ý gần đây nhất là chương trình 60 phút mở trên VTV qua đó một MC nổi tiếng đã bị đưa lên ‘hỏi tội’ trước khán giả cả nước về ‘động cơ’ chia sẻ tin cá chết trên Facebook cá nhân.