Việt, Mỹ với CSP vừa xác lập: Kinh tế – Thương mại – Đầu tư… tất cả đều là an ninh

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các lãnh đạo hàng đầu của hãng NVIDIA ở Mỹ, 18/9/2023.

Những giờ đầu tiên trên đất Mỹ, TT Phạm Minh Chính vẫn diễn ngôn theo đà quán tính. Tuy nhiên, khi đến Washington D.C, ông có bài phát biểu về khuyến nghị chính sách. Nói cho cùng, mối bang giao CSP tới đây đều chú trọng tới cả ba trụ cột kinh tế – thương mại – đầu tư, vì cả ba cũng đều là an ninh.

“Bài ca đi cùng năm tháng” trên đất Mỹ

Tối 17/9/2023 theo giờ địa phương, tức sáng 18/9 theo giờ Hà Nội, ngay sau khi đến San Francisco, bắt đầu chuyến công tác tham dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ (1). Như quỹ đạo của đường bay được lập trình sẵn, thể hiện một lập trường không bao giờ chệch hướng, ông Chính “diễn bài ca đi cùng năm tháng”. Việt Nam là đất nước có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và một nhà nước pháp quyền cũng XHCN… Ông Chính vẫn nhấn mạnh chính sách quốc phòng “bốn không một nếu”. Tuy nhiên, báo chí người Việt ở Mỹ cũng không chú tâm đến các điểm nhấn nói lên sự kiên định trong lập trường của Thủ tướng. Tuyên bố kiểu như thế chỉ có thể bổ ích cho việc biểu diễn lập trường đối với ban lãnh đạo trong nước (domestic consumption). Tường thuật buổi gặp mặt, nhà báo Joaquin Nguyễn Hòa nhận xét, phát biểu kiểu như thế là những câu hô “khẩu hiệu trước khi có những tràng vỗ tay” (2).

Trong khi đó thì ngay cả báo chí chính thống ở Việt Nam cũng đã kịp “cập nhật” những ngôn từ khác với chính những gì ông Phạm Minh Chính đã nói ra (3). Người viết bài này không nghĩ rằng, ông Chính “non tay” về chính trị và ngoại giao trên đất Mỹ. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Phạm Minh Chính lại nói như thế tại một diễn đàn kinh tế, thương mại và đầu tư với cả cộng đồng doanh nghiệp người Mỹ và người Việt? Ông ấy khẳng định ba cái định hướng XHCN đó – Dân chủ, Pháp quyền và kinh tế thị trường định hướng XHCN – để làm gì? Có lợi gì khi mời gọi người nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam? Cái videoclip đó đâu có phải do các thế lực thù địch với nhà nước Việt Nam dựng lên đâu? Vậy ông Chính muốn gì khi phát biểu kiểu “bỏ bom” cử tọa như vậy? Chỉ có thể đưa ra dự đoán. Tình hình nội bộ Việt Nam vẫn hết sức căng thẳng trước Hội nghị Trung ương 8. Ông Chính buộc phải đề phòng để không bị “hớ hênh” trên đất Mỹ. Lại nữa, trước khi lên Washington DC gặp đại diện Quốc hội và Chính quyền Hoa Kỳ, ông Chính sẽ đưa ra một số đề xuất. Phạm Minh Chính muốn tập trung thúc đẩy càng sớm càng tốt, để triển khai trên thực tế quan hệ CSP Việt – Mỹ.

Đông cơ vĩnh cửu thúc đẩy quan hệ CSP

Ngay sau khi đặt chân tới Washington D.C (Hoa Kỳ) vào sáng 19/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới trường Đại học Georgetown, một trong những trường đại học lâu đời và danh tiếng ở Mỹ, và có bài phát biểu về khuyến nghị chính sách tại đây. Để hiện thực hoá quan hệ CSP Việt Nam – Hoa Kỳ, Thủ tướng đề xuất một số quan điểm. Theo đó, khuôn khổ mới đòi hỏi phải có tư duy mới, cách thức mới để tạo ra những đột phá mới, và đạt được những thành quả mới. Thủ tướng cho rằng cả Mỹ lẫn Việt Nam cần tập trung cụ thể hoá việc nâng cấp quan hệ lên CSP vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững thành những chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, dự án, hoạt động hợp tác kinh doanh cụ thể, trong đó chú trọng những nội dung chủ yếu:

Thứ nhất, tiếp tục quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước. Việt Nam mong muốn Mỹ hỗ trợ để góp phần hiện thực hoá định hướng xây dựng "một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng" như hai bên mong muốn. Thứ hai, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước. Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên hơn, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng trao đổi, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm; thúc đẩy hơn nữa hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân. Thứ ba, tiếp tục coi hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư là động lực chủ yếu và là "động cơ vĩnh cửu" thúc đẩy quan hệ song phương. Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư phát triển các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế tạo và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Thứ tư, sớm hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mới, làm cơ sở thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác. Xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực mang tính đột phá, không giới hạn. Tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm: Nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm; đào tạo sinh viên và nguồn nhân lực chất lượng cao…Thứ năm, hai bên tiếp tục hợp tác hiệu quả về quốc phòng, an ninh, nhất là trên các lĩnh vực thực thi pháp luật, chống khủng bố, đào tạo quân y, cứu trợ cứu nạn, nâng cao năng lực hàng hải và hàng không, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tiếp tục thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh…. Thứ sáu, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN, giữa các nước tiểu vùng Mekong với Mỹ và các đối tác khác; phối hợp chặt chẽ trong ASEAN, APEC, Liên hợp quốc để xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, y tế. Thứ bảy, tăng cường thông tin, truyền thông, thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc. Đồng thời, hai bên cần tăng cường hợp tác thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, các cam kết quốc tế của mỗi nước, thúc đẩy tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt. (4)

Kinh tế – Thương mại – Đầu tư cũng đều là an ninh

Lên Washington D.C sáng 19/9, Thủ tướng Chính đã tái khẳng định với Thượng nghị sỹ Robert Menendez rằng, Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược. Về phần mình, ông Menendez nói rằng phát triển quan hệ với Việt Nam được lưỡng đảng ở Quốc hội ủng hộ. Cũng tại Washington D.C., Thủ tướng Chính cũng đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Tại cuộc gặp này, ông Chính đã yêu cầu phía Mỹ phối hợp với Việt Nam để nhanh chóng hiện thực hóa các nội dung thỏa thuận thiết lập quan hệ CSP. Theo đó, ông kêu gọi Mỹ ưu tiên thúc đẩy việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mở cửa hơn nữa thị trường Mỹ cho hàng hóa của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới – sáng tạo, giáo dục – đào tạo và giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư là nền tảng, là động cơ vĩnh cửu của mối quan hệ này. Ông cũng đề nghị phía Mỹ không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam (5).

Chiều ngày 19/9, ông Phạm Minh Chính đưa ra đề nghị này trong cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng tại Washington DC. Ông Chính đã đề nghị hai bên tích cực phối hợp để nhanh chóng hiện thực hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Ông Chính đặc biệt đề nghị Mỹ ưu tiên thúc đẩy lộ trình công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam; đồng thời xem xét thỏa đáng lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam từ nhiều năm nay đã vận động Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam nhưng chưa thành công. Những lý do chính được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là việc đối xử không bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ can thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh doanh dẫn đến các vụ kiện chống bán phá giá tại các nước khác. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chuỗi cung ứng liên quan đến chip bán dẫn (6).

Các dự án hợp tác cụ thể đã có, nhưng làm thế nào để hiện thực hoá những dự án này không phải là điều dễ dàng cho Việt Nam. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, dù môi trường kinh doanh Việt Nam bây giờ đã cải thiện rất nhiều, tuy nhiên, các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn e ngại về những rào cản như pháp lý, quy định về đất đai, trình độ lao động và cả tình hình chính trị không ổn định ở khu vực Đông Nam Á hiện nay. Trở ngại lớn nhất của nhà đầu tư Mỹ khi vào Việt Nam, theo ông Hiếu, là những luật lệ của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến bất động sản. Đất đai là cơ sở nền tảng để xây dựng xí nghiệp cũng như các hãng xưởng sản xuất, các doanh nghiệp ái ngại khi luật đất đai còn chồng chéo, nhiều thủ tục rắc rối. Mà cũng không chỉ là về vấn đề đất đai, ngay tất cả những quy định về luật pháp liên quan đến đầu tư thương mại ở Việt Nam cũng cần phải có một sự cải tiến để có thể làm cho các nhà đầu tư yên tâm về tài sản của họ (7).

(1) https://www.youtube.com/watch?v=lnNTOk3oToU (Phút 12:30 đến 26:27)

(2) https://www.bbc.com/vietnamese/forum-66859654

(3) https://baochinhphu.vn/thu-tuong-mong-22-trieu-kieu-bao-tiep-tuc-dong-gop-cho-dat-nuoc-va-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-hoa-ky-102230918112726646.htm.

(4) https://tienphong.vn/hon-mot-gio-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-dai-hoc-danh-tieng-georgetown-post1570625.tpo

(5) https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-viet-nam-den-washington-gap-gioi-lanh-dao-my/7276359.html

(6) https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-thuong-mai-my-cac-doanh-nghiep-my-se-dau-tu-manh-vao-viet-nam-20230920085455333.htm

(7) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vietnam-have-capacity-to-make-use-of-us-technological-support-09182023132708.html