Tranh cãi nổi lên hơn 10 ngày qua sau khi chính quyền thủ đô Hà Nội ban hành một quy định trong đó có điều khoản cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp công dân. Công chúng, các nhà hoạt động và một số chuyên gia pháp lý phản đối quy định này, cho rằng nó “vi hiến”.
Theo tìm hiểu của VOA, bản nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố, do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Đức Chung ký, có một điều nêu rõ rằng công dân khi đến trụ sở nêu trên để làm việc, không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm “khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Bản nội quy có hiệu lực từ ngày 3/1/2019.
VOA quan sát thấy dư luận chung, không chỉ người dân Hà Nội, bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ “đặc biệt quan tâm” đến điều khoản cấm đó, cho rằng việc quay phim, chụp ảnh phải xin phép nhân viên công quyền “sẽ khiến quyền giám sát của người dân bị ảnh hưởng”.
Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy viết trên trang Facebook cá nhân rằng công an và quan chức Việt Nam nói chung bị một thứ mà ông gọi là “hội chứng sợ ghi hình”.
Theo nhà hoạt động, có mấy lý do cho hội chứng này. Thứ nhất, khi tiếp xúc với dân, hầu hết cán bộ “không đảm bảo được tính quang minh, chính trực, công tâm”, và thường cư xử không đúng mực như “quát nạt, ra oai, nói năng bừa bãi, cù nhầy”. Thứ hai, các cán bộ “không có trình độ” và “lơ mơ về pháp luật” nên họ sợ “lòi ra cái đểu, cái dốt ra trước bàn dân thiên hạ”. Một lý do nữa, theo ông Thụy, việc ghi âm, ghi hình sẽ lưu lại những lời cam kết hoặc hứa hẹn. Khi bị ghi lại, các cán bộ sẽ “khó nuốt lời hơn là lời nói gió bay”.
“Bằng qui định này, chính quyền Hà Nội tìm cách che giấu sự thiếu trách nhiệm, trình độ non kém hay phong cách khó coi của quan chức”, nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy nhận định.
Ông bình luận thêm rằng: “Nếu cán bộ tiếp dân làm đúng, làm tốt, lẽ ra cần khuyến khích công dân quay phim để tuyên truyền cho hình ảnh cán bộ mẫu mực, tận tụy với dân, đúng là công bộc của dân, điều này tốt chứ sao lại cấm. Cấm là để che giấu cái xấu. Thế thôi”.
Nhà hoạt động này khẳng định bản quy định của Hà Nội cấm ghi âm, ghi hình khi cán bộ tiếp dân là “vi hiến, cần phải thu hồi”. Ông đưa ra dự báo rằng nếu chính quyền Hà Nội không thu hồi, điều đó “sẽ tạo tiền lệ” cho các tỉnh, thành khác cũng ra quyết định cấm đoán tương tự.
Trên thực tế, đến nay ở Việt Nam đã có tới 26 tỉnh, thành cũng ban hành quy định buộc người dân phải “xin phép” trước khi ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân.
Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra ý kiến trên trang Facebook cá nhân rằng quy định như vậy là “sai”. Luật sư Trai lập luận rằng tiếp dân là hoạt động công vụ, đồng nghĩa là cán bộ công chức làm chức trách, phận sự “phải chịu sự giám sát của công dân”.
Hơn nữa, theo ông Trai, về thể thức ban hành, UBND thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh nói chung “không có thẩm quyền” ban hành các quy định có tính chất “quy tắc xử sự chung” buộc người dân có nghĩa vụ tuân theo.
“Như thế là lạm quyền”, ông nhấn mạnh, và bày tỏ thêm rằng “Việc ban hành quy định này là bộ máy hành chính quan liêu tự đưa ra quy định để che chắn quyền lợi bản thân mà đi ngược lại lợi ích của dân chúng”.
Nhìn rộng ra, vị luật sư nhắc nhở rằng trước đây đã có quy định được ban hành cấm người dân sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật, nay lại có quy định ngăn cản quyền ghi âm, ghi hình công khai. Ở tầm mức cao hơn, Việt Nam có Luật An ninh mạng mà ông Trai xem là “can thiệp vào công cụ ngôn luận hữu hiệu của người yếu thế”. Với những thực tế đó, luật sư Trai nhận định: “Tất cả cho thấy quyền công dân cứ bị gặm nhấm mãi”.
Hàng nghìn ý kiến tương tự hoặc ủng hộ các quan điểm của ông Thụy và ông Trai đã được thể hiện trong hơn 10 ngày qua trên mạng xã hội hoặc trong các diễn đàn như “Góc nhìn Báo chí-Công dân”.
Bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích, phản đối, hôm 8/1, Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, khẳng định bản nội quy về việc tiếp công dân “hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành”.
Phát biểu này của ông Chung bị báo chí trong nước cho là trái với lời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Theo các bản tin, cũng trong ngày 8/1, tại một hội nghị về ngành tư pháp, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân”.
Tiếp đến, hai ngày sau, quan điểm của ông Chung bị phản bác bởi một chuyên gia. Trang Dân Trí trích lời tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, thuộc Bộ Tư pháp, nói rằng vị chủ tịch Hà Nội “không được quyền quyết định vấn đề ‘ghi âm, ghi hình phải xin phép’”, mà điều này “thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Bày tỏ đồng thuận với công chúng, các nhà hoạt động và một số luật sư, tiến sĩ Sơn nói: “Tôi cho rằng văn bản hành chính cá biệt này được ban hành trái luật và vi hiến”.
Báo chí cho biết những tranh cãi về bản nội quy của Hà Nội đã thu hút sự chú ý từ Bộ Tư pháp. Báo Giao thông dẫn lời ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, cho biết Cục “đang cho tiến hành kiểm tra lại quy định này”.
Một bản tin Dân trí đăng hôm 14/1 cho hay Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật “đang soạn thảo văn bản để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định vấn đề pháp lý gây tranh cãi này”.