Một cuộc triển lãm lần đầu tiên về thời kỳ cải cách ruộng đất gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam mới đây đã phải đóng cửa ít ngày sau khi khai mạc.
Nguyên nhân đóng cửa được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đưa ra là do “sự cố điện” nhưng nhiều cư dân mạng xã hội lại cho rằng triển lãm buộc phải ngừng lại vì vấp phải không ít phản đối.
Báo chí do nhà nước kiểm soát hầu như chỉ đưa tin về những mặt tích cực của cuộc triển lãm được cho là “cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn lịch sử đặc biệt”.
Tin cho hay, 150 hiện vật, tư liệu được trưng bày “tái hiện việc giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến”.
Những ý kiến đối lập cho rằng cuộc triển lãm mang tên “Cải cách ruộng đất 1946-1957” đã “không thừa nhận những sai lầm trong quá khứ” và “không phản ánh đầy đủ những gì đã xảy ra, nhất là về việc đấu tố địa chủ”.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát tình hình chính sự ở Việt Nam, cho rằng việc ra mắt triển lãm là điều “rất tốt vì nó tự lột mặt nạ của một sự dối trá”.
Ông nói: “Mục đích của họ muốn cho mọi người thấy rằng cái việc đã làm 60 năm trước là hoàn toàn đẹp đẽ, hay ho còn cũng có một số sai sót nhưng nhỏ tí thôi. Đấy là một kiểu tuyên truyền lừa đảo mà từ trước tới nay vẫn thế. Người ta nghĩ rằng trước cũng lừa bịp được kiểu như vậy rồi và bây giờ vẫn có thể lừa bịp tiếp được. Nhưng mà họ không ngờ rằng dư luận phản ứng mạnh như vậy".
Tin cho hay, một số người được cho là dân oan đã tới biểu tình bên ngoài bảo tàng ở Hà Nội.
Các hình ảnh đăng tải trên mạng cho thấy họ giơ cao các biểu ngữ với những dòng chữ như "quyền con người" hay "phản đối công an bắt người vô tội".
Trong cuộc phỏng vấn với VOA tiếng Việt, giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng “không có gì phải tranh cãi về vấn đề cải cách ruộng đất”, và ông cho hay “đã được chứng kiến sự thừa nhận sai lầm”.
Nhà nghiên cứu này nói: “Cụ Hồ rồi ông tổng bí thư lúc đấy là Trường Chinh thì đã nhận trách nhiệm, thậm chí là thôi chức và thậm chí Cụ Hồ đã khóc rồi gửi lời xin lỗi. Tất cả chuyện sai lầm cải cách ruộng đất thì đã thuận chiều mà công khai”.
Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tự mâu thuẫn khi một mặt nói “muốn đưa ra một bức tranh toàn diện” nhưng mặt khác lại nói rằng “không cần phải nêu toàn bộ, không cần phải nêu hết các khía cạnh”.
Nhà quan sát này cũng cho rằng những tiếng nói đại diện cho xã hội dân sự trên mạng xã hội đóng một vai trò lớn trong việc vận động làn sóng phản đối cuộc triển lãm.
Ông nói: “Cái triển lãm này có một mục đích là cho thấy một thắng lợi long trời lở đất, mang lại ruộng đất cho bà con nông dân. Thì bà con Dương Nội kéo đến đấy. Đấy là bà con Văn Giang còn chưa kéo lên đấy. Bà còn ở khắp nơi chưa kéo lên. Họ không lường được phản ứng như thế. Và đến khi bà con Dương Nội lên một cái thì họ đành phải ngụy biện là mất điện, thế này, thế kia rồi đóng cửa và bây giờ đóng cửa vĩnh viễn. Đố chả dám mở lại”.
Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam được nhà nước phát động để “xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là theo Pháp, chống lại đất nước, chống lại chính quyền như địa chủ, cường hào hay các đảng đối lập”.
Tài sản, đất đai của những người vừa kể bị tịch thu và chia cho tầng lớp bần cố nông đồng thời đưa những người bị nhắm làm mục tiêu ra đấu tố và xử tội.
Báo chí trong nước dẫn số liệu tại cuộc triển lãm viết rằng “nông dân cùng nhau chống lại địa chủ, tịch thu hơn 70.000 hécta đất ruộng để chia cho gần 4 triệu nông dân tại 3.314 xã”.