Văn hóa chính trị là gì?

Nếu chính trị và văn hóa có quan hệ chặt chẽ với nhau, hệ luận đầu tiên có thể được rút ra là: muốn có một sinh hoạt chính trị đàng hoàng nghiêm túc, điều cần có, trước hết, là một văn hóa chính trị thích hợp. Cũng vậy, muốn có dân chủ, điều cần có đầu tiên chính là văn hóa dân chủ. Không có văn hóa làm nền tảng, những thay đổi, cho dù lớn lao đến mấy, như thay đổi giới lãnh đạo hay thậm chí, thể chế, chỉ có tính cách tạm thời. Và hời hợt. Rồi, cuối cùng đâu cũng lại hoàn đấy. Con quái vật độc tài, một lúc nào đó, sẽ ngoi đầu dậy trở lại, nuốt chửng nền dân chủ còn phôi thai và lại hãm hại những người dân đang ngây thơ ngỡ mình đã hoặc sẽ được giải phóng khỏi mọi kiềm kẹp.

Chính vì vậy, yếu tố văn hóa, cụ thể là văn hóa chính trị càng ngày càng được quan tâm nghiên cứu.

Nhưng văn hóa chính trị là gì?

Trước hết, xin nói một tí về văn hóa. Với mấy trăm định nghĩa khác nhau, “văn hóa” được xem là một trong những từ đa nghĩa và phức tạp nhất hiện nay. Có điều, ở Việt Nam, quan niệm về văn hóa vẫn còn rất đơn giản, ngay đối với những chuyên gia nổi tiếng nhất. Nói đến văn hóa, điều người ta thường nghĩ đến nhiều nhất là phong tục, tập quán và di tích lịch sử, bao gồm ngôn ngữ, tín ngưỡng, luật lệ, nghệ thuật, từ nghệ thuật bằng lời (ca dao, tục ngữ, cổ tích) đến nghệ thuật dựa trên nhịp điệu (dân ca và vũ điệu) và nghệ thuật không gian (chủ yếu là điêu khắc và kiến trúc) và hai khía cạnh quen thuộc khác: y phục và ẩm thực. Trong cách nghĩ như thế, người ta dễ tưởng, một, văn hóa là những gì ở bên ngoài chúng ta, hoặc chúng ta chỉ là những kẻ tiếp nhận và thực hành một cách thụ động; hai, trung tính (neutral), không gắn liền với một ý thức hệ, hay ít nhất, một quan điểm nào cả; và ba, ổn định từ đời này sang đời khác; với nó, chúng ta chỉ có một bổn phận duy nhất là bảo tồn.

Thật ra, tất cả những điều mới được đề cập chỉ là một phần của văn hóa. Đó là phần vật thể (với những lâu đài, đền miếu, tranh tượng, nhạc cụ, thực phẩm…) và một ít mang tính chất phi vật thể (với tín ngưỡng, văn học, âm nhạc, ngôn ngữ…). Đằng sau và bên dưới hai phần vật thể và phi vật thể ấy, còn một khía cạnh khác, càng ngày càng được chú ý vì nó chi phối gần như toàn bộ các mặt nổi kia: văn hóa được hiểu như một hệ thống ý nghĩa và niềm tin với những biểu tượng và những bảng giá trị đặc biệt được chia sẻ bởi các thành viên trong cộng đồng và cũng là yếu tố chính làm cho mỗi thành viên thực sự là thành viên của cộng đồng. Với hệ thống ý nghĩa và niềm tin ấy, mọi người sẽ có những tiêu chí và tiêu chuẩn giống nhau trong việc đánh giá người và vật, phân biệt cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, cái hay và cái dở, điều nên làm và điều không nên làm, v.v.

Nói cách khác, văn hóa, ở ý nghĩa căn bản nhất, là những gì nằm sâu tận trong tiềm thức và vô thức của mỗi người, định hướng cho các lựa chọn, cách suy nghĩ và cách hành xử của họ theo một chuẩn mực đã thành truyền thống mà mọi người được thụ đắc từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Hiểu theo nghĩa đó, văn hóa chính trị chỉ là một phần phụ của văn hóa (subculture). Nếu văn hóa là một hệ thống ý nghĩa và niềm tin, văn hóa chính trị sẽ là hệ thống ý nghĩa và niềm tin liên quan đến chính trị, nghĩa là đến quan hệ quyền lực giữa các cá nhân cũng như giữa các tập thể, từ gia đình đến giai cấp, trong một quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau. Cái gọi là quyền lực ấy bao gồm nhiều yếu tố từ quyền (right) đến thẩm quyền (authority) và các thiết chế phân phối quyền lực (power), trong đó, quan trọng nhất là quyền lực đối với việc lựa chọn và quyết định những gì liên quan đến số phận của cả tập thể cũng như của từng cá nhân. Văn hóa chính trị, do đó, theo tôi, trước hết, là hệ thống niềm tin về quyền, thẩm quyền và quyền lực. Tất cả các yếu tố ấy đều gắn liền với, nếu không muốn nói là châu tuần chung quanh, một thiết chế chính: nhà nước.

Ý niệm văn hóa chính trị đã được manh nha từ thời cổ đại Hy Lạp, với Plato và Aristotle, nhưng chỉ thực sự phát triển, thành một đề tài nghiên cứu riêng và là một trong những vấn đề trung tâm của việc phân tích chính trị từ cuối thập niên 1950 đến nay. Người ta thường gắn liền sự ra đời của thuật ngữ này với các công trình nghiên cứu của Gabriel Almond, một nhà chính trị học người Mỹ, tác giả bài tiểu luận “Comparative Political Systems” đăng trên tờ Journal of Politics số 18 năm 1956 và đặc biệt, cuốn The Civic Culture xuất bản năm 1963.

Thời gian ở giữa hai tác phẩm này, nhiều học giả khác cũng tham gia vào cuộc tranh luận. Kết quả là chúng ta có vô số những cách nhìn khác nhau về ý niệm văn hóa chính trị. Với Almond, văn hóa chính trị là những định hướng – thái độ chính trị đặc biệt đối với hệ thống chính trị cũng như đối với vai trò của bản thân mình trong hệ thống ấy. Với Sidney Verba, nó là “hệ thống những niềm tin về kiểu mẫu của các thiết chế và sự tương tác chính trị.” Với Samuel Beer, hai vấn đề lớn liên quan đến văn hóa chính trị là: một, chính quyền nên được điều hành như thế nào; và hai, nó nên làm những gì. Và đằng sau hai vấn đề này là một số nguyên tắc chính liên quan đến giá trị, niềm tin và thái độ cảm xúc (emotional attitudes) của mọi thành viên trong cộng đồng. Roy Macridis tóm tắt: đó là những niềm tin được san sẻ và những luật lệ được chấp nhận một cách phổ biến. (1)

Mặc dù các định nghĩa trên sử dụng khá nhiều thuật ngữ tâm lý học, từ niềm tin đến thái độ, định hướng… các lý thuyết gia không dừng lại ở phạm vi tâm lý cá nhân: Đối tượng của văn hóa chính trị là tâm lý tập thể. Trong ý nghĩa đó, Almond và Verba xem văn hóa chính trị như một hệ thống chính trị được nội tâm hóa trong nhận thức, tình cảm và sự đánh giá của quần chúng; Ronald Inglehart xem văn hóa chính trị chính là khía cạnh chủ quan của các thiết chế xã hội; Harrison và Hungtington nhấn mạnh thêm: đó là những khía cạnh thuần túy chủ quan nằm dưới và chi phối cách suy nghĩ và hành xử của mọi người trong xã hội. Trong cuốn Political Culture, Walter A. Rosenbaum chia văn hóa chính trị thành hai cấp độ: ở cấp độ cá nhân, nó tập trung ở khía cạnh tâm lý; và ở cấp độ hệ thống, nó tập trung vào sự định hướng tập thể (collective orientation). (2)

Có thể nói, trung tâm của văn hóa chính trị là vấn đề định hướng. Có ba cấp độ định hướng chính.

Một, về phương diện nhận thức, nó bao gồm những hiểu biết về hệ thống chính trị cũng như vai trò của các thành phần tham dự vào hệ thống chính trị ấy, từ giới cầm quyền đến các đại biểu cũng như cả vai trò của truyền thông.

Hai, về phương diện cảm xúc, nó phản ánh tình cảm của dân chúng đối với hệ thống chính trị, đối với những người tham gia vào hệ thống ấy cũng như đối với các hoạt động và các giá trị mà hệ thống ấy đại diện hoặc theo đuổi.

Ba, về phương diện đánh giá, nó bộc lộ quan hệ cá nhân của con người đối với hệ thống chính trị trong nước, từ đó, định hình mức độ tham gia, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, vào cái hệ thống ấy.

Walter A. Rosenbaum, chi tiết hơn, chia sự định hướng ấy thành ba loại:
  1. Định hướng về cấu trúc chính quyền, bao gồm hai khía cạnh: đối với thể chế và đối với các thành tựu của chính phủ.
  2. Định hướng về các yếu tố khác trong hệ thống chính trị (ví dụ: bản sắc chính trị, sự tin tưởng trong lãnh vực chính trị và luật lệ trong sinh hoạt chính trị).
  3. Định hướng về các hoạt động chính trị của bản thân mình (bao gồm thái độ và cách thức dấn thân cũng như ý thức về tính hiệu quả của sự dấn thân ấy) (3)
Cũng giống như văn hóa nói chung, ở tất cả các khía cạnh nêu trên, văn hóa chính trị đều có tính chất tập thể, đều được thụ đắc qua hệ thống giáo dục và tuyên truyền, và đều chịu ảnh hưởng của truyền thống. Dĩ nhiên văn hóa chính trị không phân bố đều đặn cho mọi người: mỗi cá nhân, bên cạnh những điểm chung, vẫn có thể khác biệt ở mức độ. Nhưng văn hóa chính trị vẫn là những gì, thứ nhất, chi phối cách suy nghĩ và những lựa chọn cũng như quyết định của mỗi người khi đối diện với các tình huống chính trị nào đó; và thứ hai, có thể nhìn thấy trong đời sống hàng ngày, ở các sinh hoạt chính trị bình thường hàng ngày.

Tìm hiểu về văn hóa chính trị Việt Nam hẳn chúng ta sẽ phát hiện ra lắm điều thú vị. Cho đến nay, đó vẫn còn là một đề tài mới. Một vùng đất còn hoang.

***
Chú thích:
  1. Xem luận án tiến sĩ của Kwang- Il Yoon, Political Culture of Individualism and Collectivism đệ trình tại The University of Michigan năm 2010. Đọc trên deepblue.lib.umich.edu/bitstream/2027.42/75827/1/kiyoon_1.pdf
  2. Walter A. Rosenbaum (1975), Political Culture), London: Nelson, tr. 4.
  3. Như trên, tr. 6-7.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.