Vận động tranh cử tại Úc bắt đầu tại vùng Tây Sydney

  • Ngọc Hân

Thủ tướng Julia Gillard.

Your browser doesn’t support HTML5

Nghe bài tường trình


Chính phủ Julia Gillard có nguy cơ thua nặng ngay cả tại những vùng được coi là căn cứ địa an toàn của Đảng Lao động, như vùng Tây Sydney.

Hồi giữa tháng Hai, khi nữ Thủ tướng Julia Gillard công bố tại Canberra quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội liên bang Australia vào ngày Thứ Bảy 14 tháng 9 năm 2013, giới quan sát chính trị tỏ ra ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử Úc châu mà ngày bầu cử được loan báo trước rất sớm như vậy. Bà Gillard bào chữa cho quyết định này với lập luận là để tạo ra một môi trường ổn định để chính phủ và Quốc hội có thể làm việc bình thường, thay vì phải bàn cãi đồ đoán về ngày đầu phiếu.

Ít ai có thể tin được lời giải thích này, và mọi động thái của chính phủ cũng như Liên Đảng đối lập đều được coi là vận động tranh cử, mặc dầu trên lý thuyết, cuộc vận động bầu cử sẽ chỉ chính thức bắt đầu khi Toàn quyền Liên bang ký lệnh bầu cử vào đầu tháng 8 năm nay.

Tại Australia cũng như tại Hoa Kỳ, chiến lược tranh cử nhằm vào nhiều vấn đề toàn quốc và vấn đề địa phương và địa bàn vận động chú trọng nhiều hơn vào những tiểu bang chiến trường (battleground states) như Ohio và Florida tại Mỹ, hoặc Tiểu bang NSW hay Queensland tại Úc – là nơi mà chính phủ Julia Gillard có thể bị thua nặng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trên căn bản toàn quốc, các cuộc thăm dò công luận cử tri đều cho thấy Liên đảng bảo thủ Tự do /Quốc gia do Dân biểu Tony Abbott làm lãnh tụ đối lập, sẽ chiến thắng, vì hiện nay Liên Đảng đối lập đang dẫn đầu chính phủ từ 10 đến 12 % - tức là 44 hoặc 45 % cho Đảng Lao động cầm quyền so với 55 hoặc 56% cho Liên Đảng đối lập, theo phân chia số phiếu ưa chuộng giữa hai phe (on the two-party preferred-basis). Thế nhưng thực tế bầu cử cho thấy một chính đảng có thể không dẫn đầu tổng số phiếu toàn quốc, nhưng có thể thắng cử nhiều hơn tại những đơn vị bấp bênh (marginal seats) và do đó có thể nắm chính quyền vì có đa số tại Hạ nghị viện.

Tranh cử cục bộ này được gọi là chiến lược tranh cử đơn vị ngang ngửa (marginal seats strategy) và nhờ đó mà trong cuộc bầu cử hồi năm 2010, Đảng Lao động đã có đủ số ghế tại Hạ nghị viện để thành lập chính phủ thiểu số. Hậu quả tai hại của chiến lược cục bộ này là những nơi, những vùng được coi là ‘an toàn’ (safe seats) thường bị ‘bỏ quên’.

Cựu Thủ tướng Australia Gough Whitlam

Đó là trường hợp của Vùng Tây Sydney – căn cứ địa truyền thống của Đảng Lao động, nơi đã sản xuất hai vị Thủ tướng là ông Gough Whitlam và ông Paul Keating. Cho đến năm 2010, ít ai có thể nghĩ là Đảng Lao động có thể mất ghế tại Vùng Tây Sydney. Nhưng bàn cờ chính trị đã và đang thay đổi. Theo các cuộc thăm dò công luận cử tri mới nhất tại vùng Tây Sydney, Đảng Lao động cầm quyền có thể mất từ 5 đến 12 ghế dân biểu trong vùng – và chỉ trên căn bản kết quả tại vùng Tây Sydney, Liên Đảng đối lập sẽ thắng cử và nắm chính quyền tại Canberra.

Trong kế hoạch tranh cử, các chính đảng không chỉ dựa vào các cuộc thăm dò công luận được phổ biến mà còn dựa vào các cuộc thăm dò riêng và được giữ bí mật. Có lẽ vì thế mà trong mấy tháng gần đây, Lãnh tụ đối lập Tony Abbott đã quan tâm nhiều đến Vùng Tây Sydney, căn-cứ-địa quan trọng của Đảng Lao động mà Đảng Tự do trước kia đã không có nhiều hi vọng chiến thắng.

Sydney là thành phố cổ nhất và lớn nhất của liên bang Australia. Tây Sydney là vùng có diện tích 9.000 cây số vuông với hai triệu 200 ngàn cư dân và tầm vóc kinh tế trị giá 78 tỉ 200 triệu Úc kim. Hay nói khác hơn, vùng Tây Sydney có nền kinh tế bằng toàn thành phố Melbourne, lớn hơn toàn thủ phủ Brisbane của tiểu bang Queensland về mọi phương diện, và lớn hơn toàn tiểu bang Nam Úc về mọi sinh hoạt.

Ấy thế mà vùng Tây Sydney đã bị ‘bỏ quên.’ Vùng Tây Sydney chỉ mới có bệnh viện đa khoa tân tiến vào năm 1978 [Westmead Hospital] và Viện Đại học riêng vào năm 1989 [Western Sydney University]. Vùng Tây Sydney có chỉ số di dân rất cao: 41% cư dân trong Vùng có sinh quán là nước ngoài, hoặc có cha hay mẹ là người sinh đẻ ở nước ngoài. So với các nơi khác tại thủ phủ Sydney, vùng Tây Sydney thiếu cấu trúc cơ sở hạ tầng về phương diện giao thông, y tế và giáo dục. Dân chúng nói chung có lợi tức thấp mà giá sinh hoạt lại cao.

Vùng Tây Sydney cũng là nơi định cư của đa số người tị nạn Việt Nam và lá phiếu của cử tri gốc Việt đang trở nên quan trọng. Một thập niên trước đây, nhiều cử tri gốc Việt đã mặc nhiên ủng hộ Đảng Lao động, nhưng nay cử tri gốc Việt bắt đầu chú ý nhiều hơn với Đảng Tự do. Bằng cớ là trong các cuộc bầu cử Quốc hội tiểu bang và liên bang vừa qua, các ứng cử viên Đảng Tự do như cô Đài Lê tại đơn vị Cabramatta NSW hoặc ông Thomas Đặng tại đơn vị liên bang Fowler đã biến các đơn vị an toàn này của Đảng Lao động thành những đơn vị bấp bênh.

Hồi đầu tháng Hai vừa qua, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Julia Gillard, Lãnh tụ đối lập Tony Abbott và rất nhiều Bộ trưởng, dân biểu liên bang và tiểu bang đã đến tham dự và khánh thành Hội chợ Tết Quý Tỵ do Cộng đồng Người Việt Tự do NSW tổ chức.

Và tuần này, Thủ tướng Julia Gillard đến cư ngụ tại vùng Tây Sydney để ‘thăm dân cho biết sự tình’ nhưng đồng thời cũng để ‘cứu vãn’ 12 đơn vị do Đảng Lao động nắm giữ với chỉ số chênh lệch từ 1.3% đến 12.3%.

Phản ứng của Lãnh tụ đối lập Tony Abbott là ông ‘hoan nghênh’ việc bà Julia Gillard đang làm mà ông đã làm từ lâu, nhưng theo ông Abbott, cư dân vùng Tây Sydney cần kế hoạch cải thiện đời sống hơn là một cuộc thăm viếng. Cách đây mấy tháng, ông Tony Abbott đã trình bày kế hoạch nầy, bao gồm cả một chương trình cải thiện hạ tầng mà ông hứa sẽ đóng góp 1 tỉ 500 triệu Úc kim, nếu Liên Đảng thắng cử vào tháng 9 năm nay.

Về phần Thủ tướng Úc, bà Gillard tuyên bố rằng cư dân vùng Tây không phải là ‘công dân hạng nhì’ và bà hứa sẽ gia tăng công ăn việc làm cũng như cải thiện đời sống dân chúng kể cả vấn đề tội phạm và an ninh trật tự công cộng.

Bộ trưởng Di trú Australia Chris Bowen (trái).

Trong số 12 dân biểu Lao động tại vùng Tây Sydney, có cả hai Bộ trưởng trẻ và đang lên là ông Chris Bowen, đơn vị McMahon với đa số 7.8% và ông Jason Clare với đa số 12.2% trong kỳ bầu cử năm 2010. Cả hai đều đã bước vào chính trường trong lớp tuổi 30, trở thành bộ trưởng khi chưa đầy 40 tuổi. Hiện nay, cả hai đều là Bộ trưởng cao cấp có chân trong nội các. Từng là Bộ trưởng Di trú và Quốc tịch Sự vụ, ông Chris Bowen đang giữ nhiệm vụ Giáo dục Đại học, Huấn nghệ, Khoa học và Nghiên cứu kiêm Bộ trưởng Bộ Tiểu thương. Còn ông Jason Clare là Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Công lý. Cả hai đều có đông người Úc gốc Việt – khoảng trên dưới 10% - là cử tri trong đơn vị của họ, nên họ đã thiết lập liên hệ gần gũi với cộng đồng người Việt, trước khi Thủ tướng Gillard coi Vùng Tây Sydney là ‘chiến địa tranh cử’.

Khi tiếp xúc với ký giả truyền thông chính mạch, như báo Sydney Morning Herald, Bộ trưởng Jason Clare đã chọn nhà hàng Gia Hội tại thành phố Bankstwon làm nơi gặp gỡ và đã gây ngạc nhiên khi gọi thức ăn bằng tiếng Việt, vì ông đã kết hôn với một thiếu nữ Việt Nam.

Hồi cuối tuần, trong một dạ tiệc kỷ niệm của Vietnam Sydney Radio, cả hai ông Chris Bowen và Jason Clare đều đã pha tiếng Việt vào bài diễn văn ca ngợi vai trò của truyền thông Việt Ngữ đối với cộng đồng Việt Nam sinh sống trong xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu. Hai ông đã cho chúng tôi biết họ rất quí trọng người Việt, không phải chỉ vì họ là chính trị gia mà còn vì họ cũng là cư dân trong vùng nên họ hiểu rõ môi trường sinh hoạt và nhu cầu của người Việt.

Không ai có thể đoán trước một tuần lễ sinh sống tại vùng Tây Sydney của Thủ tướng Julia Gillard sẽ đem lại kết quả cụ thể và tích cực gì cho Đảng Lao động cầm quyền hay không. Nhưng theo các cuộc thăm dò công luận, Thủ tướng Julia Gillard có thể còn gặp rất nhiều trở ngại, vì dân chúng không còn tin vào lời nói của bà và có lẽ ‘nhãn hiệu Lao Động’ (the Labor Brand) đã bị mất giá rất nhiều, vì những tranh chấp nội bộ giữa bà Julia Gillard và cựu thủ tướng Kevin Rudd, và riêng tại Tiểu bang NSW, còn có vấn đề cáo buộc tham nhũng liên hệ đến một số cựu bộ trưởng trong chính phủ Lao động Tiểu bang tiền nhiệm, và cáo buộc tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo nghiệp đoàn – là thành phần yểm trợ truyền thống của Đảng Lao động.