Vấn đề quan trí

Vấn đề quan trí

Đây đó, trên báo chí trong nước, chủ yếu là báo mạng, đặc biệt blog, một số người đưa ra nhận định rất hay: vấn đề trầm trọng và khẩn thiết nhất ở Việt Nam hiện nay không phải là dân trí. Mà là quan trí. Cái trí của giới cầm quyền.

Ngày xưa, đầu thế kỷ 20, hầu hết các nhà cách mạng Việt Nam đều bận tâm đến vấn đề dân trí. Ai cũng nhìn nhận một lập luận đơn giản: Việt Nam không thể thắng Pháp với cung tên hay gậy tầm vông theo kiểu truyền thống. Muốn thắng Pháp, cần có vũ khí và biết cách tổ chức. Muốn thực hiện hai điều đó, đất nước cần được hiện đại hoá. Muốn hiện đại hoá thì cần giáo dục. Bởi vậy, người ta cổ vũ việc học hành: một mặt tổ chức phong trào Đông Du để gửi những thanh niên ưu tú sang Nhật du học, mặt khác, khuyến khích mọi người chịu khó học đọc, học viết, xem báo và xem sách. Người ta không những khuyến mà còn khích. Khi khích, người ta không ngại nặng lời: Phan Bội Châu, một trong hai nhà cách mạng kiệt xuất nhất trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ, từng nhiều lần chửi dân chúng ngu:

Sử nước ta việc dân không chép
Và dân cùng tốt đẹp gì đâu.
Chẳng qua một ở si ngu.

(Dân trí nước ta thật đáng thương) (1)

Ngay một người, chẳng phải là cách mạng gì, chỉ là nhà thơ thôi, như Tản Đà, cũng thấy và cũng phàn nàn về trình độ dân trí trong cả nước:

Dân 25 triệu, ai người lớn?
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.

Kể cũng phải. Theo David G. Marr, trong thế kỷ 19, khoảng 25% người Việt Nam trên 15 tuổi biết võ vẽ vài trăm chữ Hán và chữ Nôm đủ để đọc gia phả hay các loại đơn từ căn bản trong đời sống hàng ngày; trong đó, chỉ có khoảng vài chục ngàn người là thực sự thông thạo chữ nghĩa đủ để tự tin đi thi hoặc có thể đọc sách vở. Đến đầu thế kỷ 20, nền Hán học suy tàn, nền giáo dục dựa trên tiếng Pháp và chữ quốc ngữ mới hình thành, số người biết chữ bị giảm sút trầm trọng: vào giữa thập niên 1920, có lẽ chỉ có khoảng 5 phần trăm dân số, hay khoảng 750,000 người, có thể đọc được báo chí (2). Trong tình hình như vậy, chủ trương nâng cao dân trí là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cũng dễ hiểu nữa cái việc năm 1945, ngay sau khi mới giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã xem việc diệt “giặt dốt” là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, khẩn cấp không kém gì việc diệt giặc ngoại xâm và giặc đói.

Nhưng bây giờ thì khác. Đã đành so với nhiều nước khác trên thế giới, kể cả trong khu vực Đông Nam Á, trình đô dân trí Việt Nam chưa phải là cao. Số người tốt nghiệp đại học còn thấp. Trình độ thực sự ở đại học lại càng thấp. Đây là một vấn đề lớn của xã hội, được nhiều chuyên gia về giáo dục quan tâm và bàn luận rất nhiều trong những năm vừa qua. Dù vậy, ở đây, có hai điều cần ghi nhận: Thứ nhất, so với trước, mặt bằng dân trí tại Việt Nam hiện nay cao hơn hẳn; thứ hai, một số khiếm khuyết trong trình độ dân trí, nếu có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, mức độ ảnh hưởng ấy chắc chắn là ít hơn sự khiếm khuyết trong trí thức của những người lãnh đạo, tức là...quan trí.

Nói đến quan trí, chúng ta cũng cần lưu ý điều này: trên danh nghĩa, giới lãnh đạo Việt Nam thường có bằng cấp khá cao, thậm chí, cao hơn hẳn các nước phát triển, kể cả Mỹ và Úc!

Theo thống kê của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, trong số 26 thành viên trong nội các chính phủ Việt Nam, có đến 13 người, tức 50%, có bằng tiến sĩ, 3 người có bằng thạc sĩ và 10 người có bằng cử nhân. Trong khi đó, tại Úc, trong số 28 thành viên chính phủ, chỉ có một người có bằng tiến sĩ, 5 người có bằng thạc sĩ, còn lại là cử nhân; tại Mỹ, trong số 23 thành viên chính phủ, có 7 tiến sĩ, 8 thạc sĩ, và 8 cử nhân.

Nguyễn Văn Tuấn tổng kết:

“Nếu [tạm] tính PhD là 10 năm theo học đại học, thạc sĩ 6 năm, và cử nhân 4 năm, thì tính trung bình mỗi bộ trưởng hay thành viên trong nội các chính phủ VN có 7.2 năm học đại học, kế đến là Mĩ (6.5 năm), và thấp nhất trong nhóm là Úc (4.6 năm).” (3)

Vấn đề quan trí

Đó là bằng cấp chính thức. Nhưng thực lực và thực học thì sao?

Ở Việt Nam, gần đây, vào mỗi dịp cuối năm, giới truyền thông phi chính thống có thói quen tốt là sưu tập những câu nói ngu để đời của giới lãnh đạo. Mà không cần đến dịp cuối năm. Mỗi lần giới lãnh đạo mở miệng công khai là một lần thiên hạ lại phải kinh hoàng về trí thức và trí tuệ của họ. Tuy nhiên, thôi, chúng ta bỏ qua những câu nói ngớ ngẩn kiểu ấy. Cứ cho là do bất cẩn đi. Ai cũng có thể mắc phải những lỗi như thế. Huống gì ở Việt Nam, giới lãnh đạo thường chỉ quen đọc những gì thư ký viết sẵn hơn là ứng khẩu phát ngôn ngay tại chỗ. Chúng ta nên thể tất.

Nhưng những câu trả lời trước Quốc Hội về những chuyện đại sự và được trực tiếp truyền thanh và truyền hình trong cả nước thì dĩ nhiên không phải là chuyện đùa. Đó là thách thức lớn trong việc chinh phục sự ủng hộ của Quốc Hội và của quần chúng cũng như trong việc khẳng định vị thế của mình trong guồng máy đảng và nhà nước. Chắc chắn là họ chuẩn bị rất kỹ. Kỹ vậy mà vẫn để lộ ra những sai lầm về phương diện kiến thức và lập luận đến độ không ai có thể hiểu được. Có những sai lầm cực kỳ sơ đẳng.

Ví dụ như ông Nguyễn Thiện Nhân, phó Thủ tướng, từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong 13 thành viên trong nội các chính phủ có bằng tiến sĩ, lại là tiến sĩ ở nước ngoài (Đông Đức). Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “So với năm 2006, đến nay (2010), lương giáo viên đã tăng gấp 2.1 lần, vào khoảng 2.5 - 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác".

Sự thực thế nào? Sự thực, theo blogger Linh, trên http://everywhereland.blogspot.com, “Thứ nhất, thu nhập danh nghĩa (chứ không chỉ lương) của ngành giáo dục trong năm 2009 chỉ tăng 68% so với năm 2006. Sau khi loại trừ yếu tố lạm phát thì thu nhập này chỉ tăng 18.2%, thấp hơn nhiều con số tăng 2.1 lần mà ông Nhân đưa ra; […] Thứ hai, thu nhập người làm trong ngành giáo dục […] vẫn thấp hơn mức trung bình của tất cả các ngành. Tiền lương trung bình của ngành giáo dục năm 2009 là 2.7 triệu trong khi trung bình của tất cả các ngành là 3.1 triệu. Như vậy mệnh đề ‘cao hơn so với các ngành khác’ của ông Nhân là không chính xác.”

Nhưng cái sai của ông Nguyễn Thiện Nhân không trầm trọng và tai hại bằng cái sai của ông Nguyễn Sinh Hùng, cũng phó Thủ tướng, cũng có bằng tiến sĩ, cũng trong cuộc chất vấn trước Quốc Hội.

Liên quan đến dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỉ đô la mà Việt Nam đang ngấm nghé thực hiện, ông Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố là ông rất an tâm về khoảng nợ khổng lồ mà Việt Nam sẽ phải vay mượn cho dự án ấy. Tại sao ông an tâm? Lý do, theo ông, "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng 6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050".

Với số thu nhập cao như vậy thì việc con cháu chúng ta trả vài chục tỉ nợ của ngoại quốc chẳng có gì khó khăn cả!

Tuy nhiên, theo nhiều người, tất cả các con số làm chỗ dựa cho dự án quốc gia vĩ đại ấy đều sai.

Sai từ con số thu nhập bình quân trên đầu người tại Việt Nam hiện nay: Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2010 này, thu nhập ấy chỉ dưới 1.000 Mỹ kim chứ không phải là 1.200 Mỹ kim như ông Hùng nói.

Sai cả trong dự đoán: con số thu nhập bình quân ấy không thể lên đến 3.000 Mỹ kim vào năm 2020 và 20.000 Mỹ kim vào năm 2050 được. Có nhiều người phân tích những cái sai này. Người phân tích kỹ lưỡng nhất là giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc. Theo ông, nếu từ 2010 đến 2030, suốt cả 20 năm liền, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam tăng trưởng đều đặn ở mức 6% như hiện nay thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2020 chỉ là khoảng 1.963 Mỹ kim; vào năm 2030, chỉ có khoảng 3.121 Mỹ kim. Nếu từ 2030 đến 2050, tốc độ phát triển chậm lại, khoảng 4%, thì thu nhập bình quân đầu người vào năm 2050 chỉ khoảng 5.388 Mỹ kim, tức chỉ hơn một phần tư con số ông Nguyễn Sinh Hùng dự đoán!

Ở đây, chúng ta không thể không đặt ra ít nhất hai câu hỏi:

Thứ nhất, tại sao những người lãnh đạo cao nhất nước lại có thế vấp phải những sai lầm sơ đẳng trong phạm vi mình chịu trách nhiệm như vậy? Những điều căn bản như vậy mà còn sai, vậy những điều phức tạp hơn thì sao?

Thứ hai, dựa trên những tiền đề sai như vậy, làm sao người ta có thể hoạch định những dự án lớn lao kéo dài cả hàng chục năm và tiêu tốn cả mấy chục tỉ đô la được?

Dân chúng, đặc biệt giới trí thức, lo là phải.

Chú thích:

  1. Phan Bội Châu toàn tập, tập 5, Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, nxb Thuận Hoá, 1992, tr. 59.
  2. David G. Marr (1981), Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945, Berkeley: University of California Press, tr. 33-4.
  3. Nguyễn Văn Tuấn, “Trình độ học vấn của bộ trưởng Việt Nam, Mỹ và Úc
    Ngoài các bài đã dẫn ở trên, có thể xem thêm một số bài khác có liên quan đến vấn đề đang bàn trên các website hoặc blog dưới đây:

http://hieuminh.org/2010/06/08/gdp-tgv-va-iq/http://everywhereland.blogspot.com/2010/06/en-luot-pho-thu-tuong.html
http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=5444&prev=5457&next=5413

http://boxitvn.wordpress.com/2010/06/15/b%e1%bb%9fi-d%e1%ba%a5t-n%c6%b0%e1%bb%9bc-mang-hnhd%e1%ba%a5u-h%e1%bb%8fi/

http://boxitvn.wordpress.com/2010/06/15/v%e1%bb%81-nh%e1%bb%afng-con-s%e1%bb%91-d%e1%ba%a7u-t%c6%b0-d%c6%b0%e1%bb%9dng-s%e1%ba%aft-cao-t%e1%bb%91c/

http://boxitvn.wordpress.com/2010/06/15/s%e1%bb%b1-im-l%e1%ba%b7ng-l%e1%bb%8bch-s%e1%bb%ad-v-mn-n%e1%bb%a3-h%e1%ba%adu-th%e1%ba%bf/

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.