Vấn đề nhân quyền sẽ được cứu xét khi TT Obama đi thăm Cuba

Chủ tịch Raul Castro (trái) và Tổng thống Barack Obama.

Chuyến thăm Cuba của tổng thống Obama đã dự trù vào tháng tới có thể là một bước chủ chốt hướng tới việc cải thiện thành tích nhân quyền có nhiều vấn đề của quốc gia Cộng sản này. Đây là chuyến đi Cuba đầu tiên của một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm trong gần 90 năm.

Trong một tin nhắn qua Twitter hôm thứ Năm, Tổng thống Obama viết: “Chúng ta vẫn còn những bất đồng với chính phủ Cuba mà tôi sẽ trực tiếp nêu ra. Nước Mỹ sẽ luôn đại diện cho nhân quyền trên khắp thế giới”.

Tòa Bạch Ốc nói sự ủng hộ của cả hai đảng dành cho chính sách của tổng thống đối với Cuba ngày càng tăng, nhưng tin về chuyến đi này đã khơi ra sự chỉ trích từ người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.

Trong một thông cáo, ông Ed Royce của đảng Cộng Hòa, đại diện bang California, viết: “Những nhượng bộ đơn phương của chính quyền Obama đã chỉ củng cố thêm một chế độ cộng sản đối xử tàn tệ với dân chúng. Khi Tổng thống Obama đặt chân xuống La Habana, thì làm thế nào ông ấy có thể đại diện cho nhân quyền được?”

Chính phủ Cuba mới đây đã phóng thích một số tù nhân chính trị và đã có những bước nhỏ trong việc mở rộng việc truy cập Internet. Nhưng một bản phúc trình của tổ chức Human Rights Watch nhận thấy chính phủ Cuba “tiếp tục dựa vào việc bắt bớ tùy tiện để sách nhiễu và đe dọa các cá nhân thực thi những quyền cơ bản của mình”. Bản phúc trình nhận thấy các vụ bắt giữ thực ra đã gia tăng sau khi quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ nồng ấm hơn, với số người bị bắt tăng từ 2.900 lên đến 7.188 trong năm đầu tiên sau khi chính phủ Hoa Kỳ loan báo nối lại bang giao.

Các tổ chức nhân quyền hoan nghênh tin về chuyến đi của tổng thống Cuba như một cơ hội trong khi cảnh báo rằng vẫn còn cần phải đạt được nhiều tiến bộ.

Chuyến thăm của tổng thống có thể “báo hiệu mở đường cho các tổ chức nhân quyền và các thực thể khác như Liên Hiệp Quốc và Liên Mỹ có thể có một cuộc đối thoại và đi thăm Cuba”, theo nhận định của bà Marselha Goncalves Margerin, giám đốc đặc trách châu Mỹ của Hội Ân xá Quốc tế.

Bà Margerin nói sự tan băng trong bang giao ắt sẽ là một cơ hội cho chính phủ Cuba xét lại các luật lệ trong nước về kiểm duyệt, tự do Internet và quyền tự do hội họp nay khi Hoa Kỳ không còn là một mối đe dọa đối với chủ quyền của Cuba nữa.

Công dân Cuba đã bày tỏ sự nghi ngờ không biết sẽ có những thay đổi nào có ý nghĩa sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ.

Ông Eduardo Cardet, Phối hợp viên của Phong trào Giải phóng Cơ Đốc giáo ở Holguin, Cuba nói: “Các vị nguyên thủ quốc gia phải làm mọi điều có thể được trong những cuộc gặp gỡ đó để cố gắng đáp lại các nhu cầu của dân chúng và người dân Cuba rất cần được tôn trọng nhân quyền”.

“Tiến trình xích lại gần nhau đã chỉ mang tính cách có một phía”, theo ông Dagoberto Valdes, giám đốc tạp chí độc lập Convivencia của Cuba. Ông Valdes cho biết ông sẽ nói với Tổng thống Obama rằng “ông ấy đã có những nhượng bộ với chính phủ Cuba mà không yêu cầu đáp lại điều gì để đánh đổi, không yêu cầu hoàn tất điều gì. Sự đàn áp đã gia tăng”.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã cải thiện tuần trước với việc ký kết một hiệp ước cho phép các hãng hàng không thương mại của Hoa Kỳ gia tăng đáng kể số chuyến bay đến Cuba và cấp giấy phép cho một công ty Hoa Kỳ xây dựng một phân xưởng máy kéo trên đảo quốc này.

Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Obama dự định họp với Chủ tịch Raul Castro và các nhân vật bất đồng chính kiến Cuba trong chuyến thăm này.

Bà Marion Smith, Giám đốc Điều hành Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản, một tổ chức phi lợi nhuận giáo dục công chúng về di sản của chủ nghĩa cộng sản, nhận định: “Trừ phi nhân quyền thực sự là tiêu điểm của chuyến thăm, thì một chuyến đi như thế này của một vị tổng thống đương nhiệm không thể giúp ích gì mà lại có tác động tiêu cức đến tình hình nhân quyền ở Cuba”.

Bà Smith nói các cuộc gặp gỡ của tổng thống với các nhân vật bất đồng chính kiến sẽ gửi đi một tín hiệu rất rõ ràng cho Cuba và phần còn lại của thế giới rằng việc khai mở các quan hệ kinh tế không phải là vấn đề duy nhất mang tầm quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Bà Smith nói: “Mặc dầu chúng ta đang mở ra các quan hệ kinh tế mà cho đến giờ chúng ta vẫn chưa nhận được gì từ chế độ Castro, chúng ta vẫn có cam kết như đã từng có trong nhiều thập đối với một nước Cuba dân chủ hơn, nơi pháp trị và nhân quyền được tôn trọng”.