Văn Bút Mỹ kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt với ông Tô Lâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ngày 24/9/2024.

Tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Joe Biden và chính phủ Hoa Kỳ hãy đưa vấn đề nhân quyền vào tâm điểm trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Tổ chức này nói rằng nếu ông Lâm muốn chứng minh cam kết của mình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trước tiên ông phải thực thi nhân quyền tại quốc gia của mình.

Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) “cảm thấy nhẹ nhõm” khi nghe tin nhà hoạt động, nhà bình luận trực tuyến và nhà thơ Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do ngay trước khi ông Lâm khởi hành cho chuyến công tác tại Mỹ và dự phiên họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) và dự kiến ông sẽ gặp ông Biden vào ngày 25/9, tổ chức này cho biết trong một tuyên bố hôm 23/9.

Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 24/9, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Biden sẽ gặp Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào ngày 25/9 bên lề phiên họp của LHQ. “Chủ tịch nước Việt Nam mới nhậm chức cách đây 4 tháng, và cuộc gặp này sẽ là cơ hội quan trọng để hai nhà lãnh đạo thảo luận về mối quan tâm chung của chúng ta đối với sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á”, Nhà Trắng nói.

Theo Văn Bút Mỹ, ông Thức, bị bắt vào năm 2009 và bị kết án 16 năm tù vì những bài viết về cải cách chính phủ, được thả trước hạn tù 8 tháng hôm 21/9 cùng với nhà hoạt động vì khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng và luật sư Hoàng Ngọc Giao.

“Mặc dù việc ông Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do là điều tuyệt vời, nhưng thật là vô lý khi ông phải ngồi tù hơn 15 năm qua vì những bài viết của mình”, Văn Bút Mỹ đưa ra nhận xét.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại LHQ hôm 24/9/2024.

Tổ chức này một lần nữa kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động bị cầm tù vì những phát biểu của họ.

“Tự do ngôn luận là điều cần thiết cho một xã hội thịnh vượng, công bằng và thúc đẩy nhân quyền, trách nhiệm giải trình và tiến bộ”, Văn Bút Mỹ nhấn mạnh. “Nếu Chủ tịch nước Tô Lâm muốn chứng minh cam kết của mình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trước tiên ông phải ưu tiên và thực thi nhân quyền ở đất nước mình”.

“Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống Biden và chính phủ Hoa Kỳ đưa vấn đề nhân quyền vào trọng tâm của quan hệ ngoại giao với Việt Nam và vận động trả tự do cho những người khác vẫn đang bị giam giữ bất công”, bà Anh-Thu Vo, Giám đốc nghiên cứu và vận động của PEN America, đưa ra kiến nghị.

Theo Chỉ số Tự do sáng tác của PEN America năm 2023, Việt Nam là quốc gia giam giữ nhiều tác giả thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Iran và ngang bằng với Ả rập Xê út.

Năm 2023, Việt Nam giam giữ 19 tác giả, trong đó có bà Phạm Đoan Trang, người đoạt giải Tự do Sáng tác của PEN/Barbey năm 2024. Dịp này, Văn Bút Mỹ nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Phạm Đoan Trang và tất cả các tác giả và nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì quyền tự do ngôn luận của họ.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi của Văn Bút Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.

Từ trước đến nay, chính phủ Việt Nam “khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, và khi bị quốc tế chỉ trích rằng nước này vi phạm nhân quyền, Hà Nội thường đáp trả rằng đó là những “nhận định không khách quan”, dựa trên những thông tin “không chính xác” về tình hình thực tế của Việt Nam.