Ủy ban Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về thỏa thuận hạt nhân với Iran

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker trình bày về dự luật liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran

Một ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ vừa nhất trí thông qua một dự luật lưỡng đảng để quy định bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào với Iran đều phải trình cho quốc hội xem xét và có thể biểu quyết thông qua hay bác bỏ. Thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tường trình từ trụ sở Quốc hội, nơi các nhà lập pháp của hai đảng nói rằng Quốc hội phải có tiếng nói trong thỏa thuận ký kết với Tehran, điều mà Tòa Bạch Ốc nay cảm thấy là không thể tránh được và phải chấp thuận một cách miễn cưỡng.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện biểu quyết với tỉ lệ tuyệt đối (19-0), thông qua một dự luật sẽ để cho Quốc hội 30 ngày để xem xét và biểu quyết về một thỏa thuận hạt nhân với Iran, nếu và một khi thỏa thuận chung cuộc đạt được. Không có lệnh chế tài Iran nào do Quốc hội ban hành sẽ được miễn áp dụng trong khoảng thời gian đó.

Trong một sự nhượng bộ của một số nhà lập pháp Dân chủ, dự luật bỏ qua các điều kiện của những vấn đề phụ, chẳng hạn như việc Iran ủng hộ các tổ chức khủng bố và vấn đề quyền tồn tại của Israel. Tuy nhiên dự luật bao gồm quy định về việc tham khảo thường xuyên và bắt buộc giữa bên hành pháp lập pháp về sự tuân thủ thỏa thuận của Iran, và cho phép các lệnh chế tài được nhanh chóng áp dụng trở lại nếu phát hiện vi phạm.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói:

"Các lệnh chế tài do Thượng viện và Hạ viện ban hành không thể được dỡ bỏ nếu bên hành pháp không đưa đến cho chúng tôi mọi chi tiết của thỏa thuận, đến khi đó thì quy trình mới bắt đầu khởi động. Quốc hội luôn can dự, và cứ mỗi 90 ngày thì chính quyền phải chứng minh việc đó một lần, bằng bất cứ cách nào, là Iran tuân hành thoả thuận."

Ông Corker thương lượng các điều kiện chung cuộc của dự luật với Thượng nghị sĩ Ben Cardin, người đứng đầu phe Dân chủ trong uỷ ban này. Ông Cardin phát biểu như sau:

"Chúng tôi can dự vào thỏa thuận này. Chúng tôi phải can dự vào thỏa thuận. Chỉ Quốc hội mới có quyền bãi bỏ hẳn hoặc sửa đối các lệnh chế tài, mà đó thực sự là những điều kiện mà tổng thống đang đàm phán."

Ủy ban đã biểu quyết dự luật này vài giờ sau khi các thượng nghị sĩ họp riêng với Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và các giới chức cấp cao khác. Những viên chức này kêu gọi Quốc hội giải tỏa bớt các ràng buộc khắc khe. Nhưng ngay cả các đảng viên Dân chủ trung thành với Tòa Bạch Ốc, chẳng hạn Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow, cũng nói rằng Quốc hội không thể im lặng về thỏa thuận hạt nhân với Iran.

"Theo tôi, chúng tôi phải có tiếng nói bằng một cách nào đó."

Thông điệp này hình như đã được cơ quan hành pháp thấu hiểu. Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Obama sẽ phán đoán khi một dự luật được thông qua, nhưng ông nói thêm:

"Điều mà chúng tôi nêu rõ với các thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là tổng thống sẵn lòng ký thỏa thuận được đề nghị và được ủy ban thông qua ngày hôm nay."

Dự luật sắp được đưa ra cho cả Thượng viện biểu quyết. Có nhiều phần chắc dự luật sẽ được thông qua ở Thượng viện và Hạ viện.

Quốc hội đang khẳng định vai trò của họ trong lúc các cuộc thương lượng quốc tế với Iran sẽ được đúc kết vào tháng 6. Thượng nghị sĩ Corker lập luận rằng dự luật của ông sẽ tăng cường cho tư thế đàm phán của Mỹ trong cuộc thương lượng. Một số nhà lập pháp khác lo ngại rằng diễn biến này có thể tạo cho Iran một cái cớ để rút khỏi cuộc đàm phán.