GENEVA — Một tổ chức giám sát của Liên Hiệp Quốc chỉ trích điều mà họ nói là Việt Nam đàn áp các quyền tự do căn bản và xâm phạm thô bạo các quyền con người, bao gồm tra tấn và hành quyết đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Ủy ban Nhân quyền LHQ, có nhiệm vụ theo dõi việc thực thi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, đã xem xét hồ sơ của sáu quốc gia, bao gồm Việt Nam trong đợt kiểm điểm mới nhất.
Ủy ban dành nhiều lời khen ngợi cho những thành tựu kinh tế của Việt Nam, nhưng cũng có nhiều lời chỉ trích về điều mà họ xem là một hệ thống quản trị mang tính ngược đãi. Ngoài ra, họ cũng lo lắng về xu hướng gia tăng trấn áp những người bảo vệ nhân quyền
Thành viên ủy ban Marcia Kran nói những người bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu, tấn công và bị giam giữ mà không được cho tiếp xúc với ai trước phiên tòa xét xử. Bà nói rằng một số người lãnh án tù nhiều năm dựa trên những cáo buộc ngụy tạo, và một số người cũng bị ngược đãi trong khi bị giam cầm.
Một lĩnh vực khác mà Ủy ban lo ngại là số lượng án tử hình và những vụ xử tử được nói là khá cao ở Việt Nam. Ủy ban nhận được báo cáo cho biết 85 người đã bị xử tử vào năm ngoái. Bà Kran lưu ý các tội chống lại nhà nước, các tội liên quan đến ma túy, kinh tế và các tội khác đều có mức hình phạt là tử hình.
“Tình hình là số lượng và danh tính của những người bị kết án tử hình được nhà chức trách giữ bí mật. Điều này có nghĩa là những người bất đồng chính kiến có thể bị nhắm mục tiêu và bị kết án tử hình mà không qua trình tự pháp lí. Những người khác đã chết trong tù và chúng tôi có nghe những báo cáo cho biết những cái chết này sau đó được nhà chức trách nói là tự sát,” bà Kran nói.
Ủy ban gồm các chuyên gia về nhân quyền kêu gọi một lệnh cấm áp dụng tử hình hoặc bãi bỏ án tử hình.
Your browser doesn’t support HTML5
Trước đó trong tháng 3, phái đoàn Việt Nam đã bênh vực thành tích nhân quyền của mình trước Ủy ban tại Geneva trong một phiên xem xét Báo cáo Quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.
Các đại diện của Việt Nam phần lớn không đi vào chi tiết khi các chuyên gia chất vấn về những vấn đề cụ thể. Trưởng phái đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, có lúc tỏ vẻ mất kiên nhẫn với phần chất vấn vì ông cho rằng các thành viên ủy ban “không hiểu hết pháp luật của Việt Nam và những sự tiến bộ của pháp luật Việt Nam, vẫn dựa vào những thông tin không chính thống.”
Nhưng ông nói thêm Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách pháp luật và tư pháp để cố gắng đạt nhiều thành tựu tốt hơn trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới.
Ủy ban nói họ nhận thấy chính phủ Việt Nam đang đạt tiến bộ trong việc thông qua những luật mới. Bà Kran nói với VOA một số luật đã được thông qua dường như là để bảo vệ nhân quyền.
“Có một luật mới về buôn người cấm lao động cưỡng bức. Thực tế là năm 2017, đã có sửa đổi luật về trợ giúp pháp lí. Vì vậy, nó đã mở rộng danh sách những người có thể tiếp cận trợ giúp pháp lí. Ngoài ra còn có việc sửa đổi bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự về quyền được tiếp cận luật sư ở tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự.”
Bà Kran nói khung pháp lí cho thấy một số dấu hiệu cải thiện trên giấy. Nhưng bà lưu ý những luật này không được áp dụng trên thực tế.
Trong bản nhận xét tổng kết đăng tải hôm thứ Năm, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu ra một loạt những lo ngại về nhiều vấn vấn đề nhân quyền của Việt Nam mà họ đã xem xét, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để cải thiện.
Việt Nam được yêu cầu cung cấp thông tin về việc thi hành những khuyến nghị này, chủ yếu tập trung trong ba lĩnh vực là án tử hình, quyền tự do biểu đạt, và những người bảo vệ nhân quyền, đến trước ngày 29 tháng 3, 2021.
VOA Tiếng Việt đóng góp thông tin trong bản tin này.