Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) vừa ra kiến nghị kêu gọi Việt Nam thực hiện các bước để các nhóm tôn giáo có thể đăng ký “một cách đơn giản hơn và không mang tính bắt buộc” thông qua việc sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và hai dự thảo nghị định dưới luật; đồng thời cho phép các cáo báo viên đặc biệt của LHQ “tiếp cận không hạn chế” để điều tra các vi phạm tự do tôn giáo.
USCIRF đưa kiến nghị này hôm 12/6 sau khi cử một phái đoàn đi khảo sát thực tế ở Việt Nam từ ngày 15-19 tháng 5 vừa qua.
“Chuyến thăm của USCIRF tới đất nước này - do các Ủy viên Fred Davie và Eric Ueland dẫn đầu - đã tạo cơ hội để thảo luận những mối quan ngại [của USICRF] với các quan chức chính phủ Việt Nam cũng như các nhóm tôn giáo và xã hội dân sự”, USCIRF nói với VOA qua email sau chuyến thăm Việt Nam.
Nhất quán với những phát hiện và khuyến nghị trong Báo cáo thường niên năm 2023 của USCIRF, phái đoàn đã thảo luận về các mối quan ngại về tự do tôn giáo với các nhà đối thoại của chính phủ và xã hội dân sự, bao gồm các vấn đề liên quan đến các “yêu cầu đăng ký phức tạp và phiền phức” theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2018 của Việt Nam cũng như “sự không nhất quán của chính quyền địa phương và việc thực thi các quy định đó không thống nhất trên toàn quốc”.
“Phái đoàn của chúng tôi kêu gọi chính phủ sửa đổi bộ luật này bằng cách làm cho việc đăng ký đơn giản hơn và không bắt buộc, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”, tuyên bố của USCIRF gửi cho VOA cho biết thêm.
Your browser doesn’t support HTML5
Ngoài ra, phái đoàn USCIRF nêu quan ngại về hai dự thảo nghị định về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, ban hành vào tháng 6/2022 và kêu gọi chính phủ “xem xét lại các nghị định hà khắc này trước sự quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế”.
USCIRF cũng nêu quan ngại “vấn đề đặc biệt nghiêm trọng về ép buộc từ bỏ đức tin nhắm vào các thành viên của cộng đồng Tin lành người dân tộc Hmong; tù nhân lương tâm tôn giáo; và các vấn đề tự do tôn giáo khác” mà ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm tôn giáo độc lập tại Việt Nam.
“Chúng tôi tiếp tục xác định các vấn đề vi phạm nghiêm trọng và ngày càng trầm trọng hơn. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về các vụ buộc phải từ bỏ đức tin gia tăng trong năm qua, tính chất hạn chế của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, các yêu cầu đăng ký phức tạp và hà khắc”, Phó Chủ tịch USCIRF Frederick Davie cho biết trong thông cáo ngày 12/6.
Thông cáo cũng nhắc đến việc nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục giam giữ và bỏ tù các tù nhân lương tâm tôn giáo—bao gồm cả nhà hoạt động tự do tôn giáo và Phật giáo Hòa Hảo nổi tiếng Nguyễn Bắc Truyển.
“Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ song phương trong hai thập kỷ qua, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hợp tác bao gồm thương mại, an ninh và giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, mối quan hệ đang phát triển này không thể phát huy hết tiềm năng nếu không tôn trọng tự do tôn giáo theo các nghĩa vụ quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã cam kết,” Ủy viên Eric Ueland nói.
“USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực với Việt Nam để cho phép các Thủ tục đặc biệt liên quan của Liên Hợp Quốc tiếp cận không hạn chế vào quốc gia này để điều tra các vi phạm tự do tôn giáo”, ông Ueland kêu gọi.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị bình luận về thông cáo của USCIRF, nhưng chưa được phản hồi.
Your browser doesn’t support HTML5
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo tín ngưỡng.
Từ năm 2014 đến nay, chính quyền Việt Nam từ chối yêu cầu thăm viếng của những người được ủy quyền theo Thủ tục Đặc biệt bao gồm Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tình hình của những người bảo vệ Nhân quyền; Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội ôn hòa; Báo cáo viên Đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt; và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác.
Trước đây, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng đã đến thăm Việt Nam hai lần. Chuyến thăm đầu tiên là vào năm 1998 và điều này dẫn đến sự hồi sinh của một số tôn giáo trong nước. Lần thứ hai là vào năm 2014 khi đang Hà Nội soạn thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.