Hồi đầu tháng Tám, tờ The Wall Street Journal lần đầu tiên đưa tin về các cuộc thảo luận hạt nhân giữa hai nước cựu thù.
Tờ báo dẫn lời các nhà lập pháp và các chuyên gia nhận định rằng thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ‘đánh dấu một bước lùi đối với nỗ lực chống phổ biến hạt nhân của Washington’.
Theo bài báo, một số nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ chỉ trích rằng, thỏa thuận ‘bỏ qua những yêu cầu nghiêm ngặt áp đặt cho các đối tác ở Trung Đông’, vốn bị buộc từ bỏ việc làm giàu uranium nếu muốn hợp tác hạt nhân.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông John LeBoutillier, một trong hai cựu dân biểu thuộc phe Cộng hòa phản đối điều khoản cho phép Việt Nam làm giàu uranium trên đất của mình, nhận định rằng đây là một trong những thỏa thuận ‘tồi nhất’ từ Washington.
Ông nói: ‘Ý tưởng Hoa Kỳ cho phép Việt Nam làm giàu uranium – nhiên liệu có thể dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân - là không hợp lý. Chính quyền Washington không đồng ý để cho các đồng minh của mình ở Trung Đông và các nơi khác thực hiện điều này, tại sao lại cho phép Việt Nam?’
Tuần trước, ông LeBoutillier cùng cựu dân biểu William Hendon đã gửi một bức thư ngỏ tới Tòa Bạch Ốc, kêu gọi Tổng thống Barack Obama can thiệp và loại bỏ điều khoản gây tranh cãi trong thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước.
Bức thư gửi ông Obama có đoạn, xin trích: ‘Thưa Ngài Tổng thống, khả năng làm giàu uranium có thể trực tiếp đưa tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân, và nghiêm trọng hơn, khi nhiên liệu hạt nhân có thể dùng để sản xuất vũ khí rơi vào tay những kẻ khủng bố vô tổ quốc muốn làm hại Hoa Kỳ’.
Hiện chưa có thông báo chính thức của cả Hà Nội và Washington về kết quả đàm phán cũng như vấn đề cho phép Việt Nam làm giàu uranium. Dẫu vậy, vị cựu dân biểu vẫn cho rằng các lo ngại là ‘chính đáng’.
Ông LeBoutillier nói: ‘Tôi không cho rằng quan ngại này đã bị thổi phồng. Hoa Kỳ không nên trao quyền làm giàu uranium cho bất kỳ ai. Nước Mỹ không muốn có thêm vũ khí hạt nhân, và một phần cũng vì lý do đó mà Tổng thống Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình. Ông là người tranh đấu cho vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân’.
Gần đây, ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia từng được báo chí trích lời nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam ‘đã đạt thỏa thuận bước đầu về hợp tác hạt nhân hồi tháng Ba và hy vọng sẽ kết thúc thảo luận vào cuối năm nay’.
Ông Tấn cũng lên tiếng cho biết rằng ‘Việt Nam không có ý định làm giàu uranium’ vì đây là ‘vấn đề nhạy cảm’.
Về tuyên bố này, ông LeBoutillier nhận định với VOA rằng quyết định đó ‘có thể được thay đổi trong tương lai’.
Cựu dân biểu lên tiếng: ‘Đó là họ nói như vậy. Hiện giờ họ không có ý định, thế còn ngày mai thì sao, một tuần hay một năm nữa thì thế nào? Làm sao chúng ta biết chắc rằng chính sách của chính phủ Việt Nam không thay đổi? Các chính phủ thường hay thay đổi quan điểm của họ'.
'Nếu đúng là họ không có ý định làm giàu uranium, thì vì sao họ cần tăng cường khả năng làm giàu nhiên liệu hạt nhân? Tại sao không tuân thủ một điều khoản mà tất cả các nước đã đồng ý? Trong các thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ, Jordan, Ảrập Saudi và Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, không nước nào được phép làm giàu uranium’.
Hồi đầu tháng Tám, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley thừa nhận rằng ‘Hoa Kỳ và Việt Nam đang đàm phán hạt nhân, bao gồm công nghệ hạt nhân dân sự’.
Nhưng ông Crowley từ chối xác nhận hay phủ nhận tin tức rằng Việt Nam sẽ được phép tự làm giàu uranium ở trên đất của mình.
Trong khi đó, nhật báo tài chính The Wall Street Journal nhận định rằng các cuộc đàm phán do Bộ Ngoại giao nước này chủ trì có thể làm Trung Quốc ‘bất an’.
Tờ báo này nói rằng thỏa thuận hạt nhân Việt – Mỹ ‘là ví dụ mới nhất cho thấy việc tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ ở Nam và Đông Nam Á’.
Cựu dân biểu LeBoutillier cũng tán đồng quan điểm này: ‘Theo tôi, động cơ của việc này có thể là Hoa Kỳ muốn làm đối trọng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ quân sự giữa Washington và Bắc Kinh hiện khá là căng thẳng. Bằng việc cho phép Việt Nam làm giàu nhiên liệu hạt nhân, Hoa Kỳ muốn truyền đi một thông điệp'.
Ông nói thêm: 'Thỏa thuận đó có lẽ là một chỉ dấu đối với Bắc Kinh rằng họ nên chấm dứt thái độ hung hăng không những về quân sự mà còn cả về kinh tế hay tiền tệ. Hoa Kỳ luôn muốn củng cố quan hệ với Việt Nam nhưng Washington không nên đi quá xa như vậy’.
Trước tin tức về thỏa thuận hạt nhân Việt – Mỹ, trả lời China Daily hồi tháng Tám, ông Teng Jianqun, Phó Giám đốc Hiệp hội Giải trừ và Kiểm soát vũ khí Trung Quốc, đã cáo buộc Hoa Kỳ theo đuổi ‘tiêu chuẩn kép’ và ‘gây mất ổn định trật tự quốc tế’.
Gần đây, Việt Nam bày tỏ quyết tâm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao để phục vụ nền kinh tế.
Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.