Theo đạo luật về bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người được ban hành cuối năm 2000, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nhiệm vụ theo dõi tình trạng buôn người trên toàn thế giới và nộp một bản phúc trình hàng năm cho Quốc hội và Tòa Bạch Ốc.
Năm nay, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam cùng một số nước khác tại Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan vào danh sách các nước cần theo dõi về buôn người, và cáo buộc những nước này đã không ngăn chặn tình trạng phụ nữ bị buộc phải hoạt động mại dâm.
Theo bản tin của AFP, hành động này sẽ mở đường cho Hoa Kỳ cắt giảm một số hỗ trợ về mặt dân sự cho những nước này, tuy nhiên thông thường biện pháp này là hình thức để gây áp lực để các nước bị liệt kê vào danh sách phải có hành động quyết liệt hơn trong việc chống tệ nạn buôn người.
Trong phúc trình năm 2009, Việt Nam nằm trong danh sách các nuớc hạng 2. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người đồng sáng lập liên minh Liên minh Bài trừ Nô lệ Châu Á, gọi tắt là CAMSA, đã giải thích về sự khác nhau giữa các cấp độ xếp hạng này như sau:
“Hạng 2 là các quốc gia chứng tỏ quyết tâm nhưng chưa làm được đến mức có ảnh hưởng khả quan để mà chống vấn đề buôn người. Các quốc gia ở hạng 3 là những nơi mà chính quyền chưa chứng minh được quyết tâm, và đặc biệt là những nơi mà chính quyền có thể đã can dự vào vấn đề buôn người. Giữa hạng 2 và hạng 3 có một số quốc gia nằm ở trong danh sách theo dõi. Danh sách theo dõi có nghĩa là đáng quan tâm, và những quốc gia nào nằm trong danh sách theo dõi 2 năm liền nhưng không có sự cải thiện để nâng lên cấp 2 thì tự động sẽ rơi xuống cấp 3. Ở trong hạng 3 thì các quốc gia đó đứng trước nguy cơ và rủi ro là sẽ bị chính phủ Hoa Kỳ chế tài.”
Cũng theo tiến sĩ Thắng các biện pháp chế tài đối với các nước hạng 3 sẽ gồm việc cắt giảm các khoản viện trợ, ngoại trừ các khoản viện trợ về nhân đạo. Tiến sĩ Thắng cho biết thêm:
“Cái quan trọng hơn là các đại công ty quốc tế họ sẽ rất ngần ngại để làm ăn buôn bán, lập cơ xưởng ở tại các quốc gia đã bị xếp vào hạng 3 bởi vì họ không muốn bị mang tiếng. Đó là những công ty họ đặt rất nặng vấn đề uy tín trên thị trường đối với giới tiêu thụ. Thành ra các khoản ảnh hưởng về kinh tế nó sẽ rộng rãi và nặng nề hơn là các khoản bị Hoa Kỳ chế tài.”
Bản phúc trình năm nay nhận định mặc dù đã có tiến bộ trong thập kỷ qua, nhưng trong giai đoạn năm 2009-2010, ước tính vẫn có khỏang 12,3 triệu người đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Phát biểu tại buổi công bố phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi hành động buôn người là một “tội ác khủng khiếp”. Bà Clinton nói rằng “tất cả chúng ta phải có trách nhiệm chấm dứt tệ nạn này”.
Nguồn: AFP, Bloomberg, VOA's Interview