Trong khi vết dầu loang tiếp tục tràn vào Vịnh Mexico, một số người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Washington.
Chặng dừng chân đầu tiên của nhóm biểu tình là Bộ Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên Quốc gia, cơ quan đặc trách về những quy định đối với các hoạt động khoan dầu ở ngoài khơi.
Từ cơ quan này, đoàn biểu tình kéo nhau đến Tòa bạch ốc, kêu gọi Tổng Thống Obama đình chỉ việc khoan dầu ở ngoài khơi, một điều mà chính phủ Obama đã tuyên bố sẽ không làm.
Một trong những người tham gia biểu tình là nhà môi sinh Phil Aroneanu. Ông nói:
“Chúng tôi tin rằng Tổng Thống Obama thực sự cần tránh xa các nguồn nhiên liệu ô nhiễm, tránh xa các hoạt động khoan dầu, khai thác hầm mỏ, nếu không thì những tai họa như thế này sẽ cứ tái diễn mãi.”
Giới phân tích chính trị đã tìm cách lượng định tác động chính trị của tai nạn dầu loang.
Tuy nhiên những người bênh vực công nghiệp khai thác dầu nói hiện còn quá sớm để biết được tác động nếu có của vụ này. Ông John Felmy, thuộc Viện Dầu hỏa Hoa kỳ có ý kiến:
“Tại thời điểm này thì hãy còn quá sớm để có thể lượng định. Công nghiệp dầu hỏa nhìn nhận đây là một thảm họa. Điều đầu tiên mà chúng ta cần làm là bít lại chỗ dầu rò rỉ, dọn sạch khu vực quanh đấy, rồi sau đó hẳn tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra.”
Ngay trong lúc này, công nghiệp dầu đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục công chúng về điểm đó.
Sau vụ tràn dầu tại vùng Vịnh, các công ty dầu lui vào thế thủ, và tìm cách chống chế lại những lời chỉ trích từ tứ phía, kể cả từ Tổng thống Obama. Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu:
“Tôi đã tận mắt chứng kiến sự phẫn nộ và bực dọc mà nhiều người láng giềng của chúng ta trong vùng Vịnh cảm thấy. Tôi xin được nói với quý vị rằng, đó là nỗi phẫn nộ và bực dọc mà tôi, với tư cách là Tổng thống, chia sẻ với quý vị.”
Còn nhiều lời chỉ trích khác đến từ Quốc hội, kể cả từ các chính khách Đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ John McCain, đại diện bang Arizona, yêu cầu Bộ trưởng An ninh Nội địa Janet Napolitano đưa ra giải đáp cho việc dọn sạch vết dầu loang trong vùng Vịnh. Tại một buổi điều trần, khi Thượng nghị sĩ McCain hỏi: “Thế bà lạc quan tới mức độ nào?”
Với thái độ bực dọc, Bộ trưởng Napolitano trả lời: “Vào thời điểm này thì tôi chỉ biết đáp ứng theo từng ngày mà thôi.”
Những người biểu tình ủng hộ môi sinh tin rằng sự phẫn nộ về tai nạn tràn dầu có thể huy động sự ủng hộ trong công chúng và trong Quốc hội Mỹ cho những giải pháp thay thế loại nhiên liệu hóa thạch.
Một người biểu tình nói rằng với công nghệ hiện đại ngày nay và trong tương lai, với sức gió và năng lượng mặt trời, những tai họa như thế này sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên giới ủng hộ công nghiệp dầu hỏa, kể cả ông Johm Felmy thuộc Viện Dầu hỏa Hoa kỳ, nói rằng lối tiếp cận vừa kể quá đơn giản và có thể nguy hiểm. Ông nói:
“Thế thì chúng ta lấy năng lượng ra từ đâu? Hiện giờ 37% năng lượng của chúng ta đến từ dầu hỏa, chúng ta hiện có tới 250 triệu chiếc xe hơi không chạy bằng điện, không chạy bằng khí đốt, không chạy bằng những nhiên liệu thay thế, vì lý do đó chúng ta sẽ còn cần đến dầu hỏa trong tương lai có thể tính trước.”
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy là đa số người Mỹ vẫn ủng hộ việc khai thác dầu hỏa ở ngoài khơi, tuy nhiên con số này đã giảm đôi chút sau tai nạn dầu loang, và có thể giảm nhiều hơn nữa, tùy theo tác động sau cùng của tai họa này đối với môi trường.
Tai nạn tràn dầu tại Vịnh Mexico đang biến thành một thảm họa lớn đối với môi trường sinh thái. Hiện vẫn chưa rõ về các hệ quả chính trị cũng như tác động của tai nạn này đối với tương lai của ngành khai thác dầu hỏa ở ngoài khơi Hoa kỳ.