Một viện bảo tàng Mỹ vừa được mở cửa để ghi nhận sự kiện hàng trăm ngàn người gốc Nhật Bản bị chính phủ Mỹ đem nhốt trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần 2, vì sợ thành phần này có thể phá hoại.
Trong vòng vài tháng sau khi Nhật Bản bất ngờ tấn công Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ra lệnh đem giam tại các trại tập trung gần 120.000 người, đa số là người sinh đẻ tại Mỹ nhưng có gốc Nhật.
Phần lớn những người này sống tại các tiểu bang miền tây, nhưng bị đưa vào các trại ở vùng xa xôi hẻo lánh.
Viện bảo tàng mở cửa hôm thứ Bảy tại tiểu bang nông nghiệp Wyoming, sử dụng một trại tập trung trước đây.
Nhiều di vật được trưng bày đã thu thập để nhớ đến 14.000 người bị tập trung tại trại này. Họ đã ở trong những dãy nhà thô sơ, có kẽm gai bao bọc, có vệ binh canh gác từ những tháp cao được bố trí khắp trại.
Trước khi Thế Chiến 2 chấm dứt, tóa án Mỹ phán quyết chuyện giam giữ này là bất hợp pháp, nên các trại được giải thể năm 1945, khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh.
Mãi đến năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan mới xin lỗi, ông gọi đây là một “thành kiến chủng tộc” và một sự “điên loạn của chiến tranh.”
Chính phủ Mỹ sau đó đã bồi thường tổng cộng 1,6 tỉ đôla cho những người bị giam hoặc bà con thừa kế của họ.