Số liệu của văn phòng thống kê dân số Hoa Kỳ cho thấy khoảng cách biệt về lợi tức giữa giàu nghèo tại Hoa Kỳ đã lên tới mức chưa từng có trước đây. Điều này đang gây lo ngại cho các cán sự xã hội rằng khoảng cách đó có thể có ảnh hưởng đến an sinh của toàn thể xã hội Mỹ.
Trong một chương trình truyền hình dây cáp có tên là "Bằng cách nào mà bạn giàu như vậy", với nữ diễn viên hài Joan Rivers, trình bày trường hợp của môt số nhà giàu tại Mỹ xem họ làm giàu như thế nào và họ đã dùng tiền bạc kiếm được ra sao. Diễn viên này cho biết: "Không một ai mà chúng tôi phỏng vấn lại không làm việc cật lực. Không một ai nói rằng: khổ thân tôi, thời buổi kinh tế suy thoái, tôi không thể làm được gì."
Tuy nhiên lại không có một chương trình truyền hình nào đề cập đến những người nghèo, để nói lên tiếng nói của họ, để biết làm sao mà họ nghèo đến như vậy. Chỉ có những thống kê về người nghèo mà thôi.
Những con số mới nhất do Văn Phòng Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ công bố cho thấy số người nghèo tại nước Mỹ đã lên đến mức cao nhất từ hơn nửa thế kỷ nay. Đồng thời Văn Phòng Thống Kê cũng cho biết khoảng cách biệt giữa giàu nghèo tại nước Mỹ ngày càng lớn trong những năm gần đây, tới mức cao nhất năm 2009.
Theo các kinh tế gia thì tình hình kinh tế suy thoái là một trong những lý do để hàng ngũ của giới nghèo ngày càng đông hơn. Giám đốc của Trung Tâm Quốc Gia về Luật và Công Bằng KinhTế, một tổ chức không thuộc chính phủ, ông Henry Freedman, nói rằng sự sói mòn của giai cấp trung lưu là một yếu tố nữa. Ông nói: "Việc mất đi những công ăn việc làm trong các xưởng sản xuất, mất đi những xưởng máy này, và những loại công việc như thư ký đang bị đưa ra nước ngoài hoặc bị thay thế bởi công nghệ khiến những người trước đây giữ những công việc đó nay phải chen chân vào thị trường việc làm thấp hơn để cạnh tranh."
Theo giáo sư về ngành cán sự xã hội tại đại học New York, ông Robert Hawkins thì giàu lại càng giàu hơn, còn nghèo thì cứ nghèo mạt. Ông cho biết những người lâm cảnh nghèo thiếu những cơ hội căn bản mà giới giàu vẫn được hưởng. Ông giải thích: "Có những người trước giờ không có được cơ hội. Họ không có cơ hội để được học hành. Rồi hệ quả là gì? Họ không kiếm được việc làm."
Giáo sư Hawkins giải thích rằng những người nghèo không thể dựa dẫm vào bạn bè hay xóm giềng để có được cơ hội, vì họ đều nghèo cả, không ai có được bất cứ cơ hội gì. Theo ông thì điều này tạo nên môt vòng luẩn quẩn giữa tội ác, trẻ vị thành niên mang thai, bệnh tật kinh niên và chết sớm.
Ông Henry Freedman cho rằng khoảng cách giữa lợi tức của giàu nghèo ngày càng lớn có thể tạo nên một xã hội với 2 tầng lớp, làm mất đi ý thức về cộng đồng. Ông nói: "Một đàng thì người ta phải chật vật để sống còn, rất dễ trở thành nạn nhân của chính sách mị dân; một đàng thì những người giàu tách biệt các nguồn lực, cất giữ tài sản của họ, thay vì tham gia, đóng góp đầy đủ vào xã hội."
Giáo sư Robert Hawkins cho rằng việc sói mòn của giai cấp trung lưu có thể tác hại đến phẩm chất của những đóng góp của giai cấp trung lưu như dạy học, thực thi luật pháp, chăm sóc người ốm đau và những dịch vụ của giai cấp trung lưu cũng đem lại lợi ích cho giới giàu có nữa.
Theo giáo sư Hawkins thì ảnh hưởng chính trị của giới giàu ngày càng gia tăng tại Hoa Kỳ, không phải vì họ thao túng hệ thống này nhưng vì giới nghèo không sử dụng hết mức lợi thế của họ. Ông giải thích: "Nếu như giới có lợi tức thấp muốn có thêm quyền chính trị, họ phải tổ chức hàng ngũ, họ phải đi bầu. Đó có lẽ là cách hay nhất và là phương sách duy nhất mà thôi."
Theo giáo sư Hawkins, giáo dục và y tế là hai vấn đề cần phải giải quyết trong dài hạn để giúp cho giới nghèo. Theo ông, điều cần ngay bây giờ là cả giới nghèo lẫn giới giàu phải chi tiêu, vì đồng tiền có luân lưu thì mới tạo được công ăn việc làm.
Vấn đề mà giáo sư Hawkins nêu lên là: giới nghèo chẳng có tiền để chi, mà giới giàu thì chưa vượt qua được những lo sợ về tình hình kinh tế bất trắc do cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra.