Nhiều đám đông người biểu tình tại quảng trường Tahrir ở Cairo đang yêu cầu các nhà lãnh đạo quân đội Ai Cập từ chức.
Và bạo động đi kèm với các cuộc biểu tình khiến cho các giới chức Hoa Kỳ lo ngại.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney tuyên bố:
“Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng không nên để cho những sự kiện bi thảm này cản trở các cuộc bầu cử và tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ.”
Theo giáo sư Shibley Telhami của trường đại học MaryLand thì Ai Cập là chỗ dựa của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở Trung Đông và nước này có tầm quan trọng chiến lược rất to lớn.
Ông giải thích: “Ai Cập là nước đông dân và có nhiều ảnh hưởng nhất trong khối Ả Rập. Những gì xảy ra tại nước này sẽ ảnh hưởng tới các quyền lợi khác của Hoa Kỳ trong đó có vùng Vịnh Ba Tư, các nước trong vùng Vịnh sẽ ứng xử ra sao hay họ sẽ diễn giải những sự kiện đó ra sao. Vì những lý do này mà tình hình tại Ai Cập có nhiều đe dọa đối với Hoa Kỳ.”
Ông Telhami nói rằng các vụ xung đột liên tục giữa người biểu tình và lực lượng an ninh có thể tác động đến công luận ở Hoa Kỳ:
Ông nói “Nếu quan hệ này căng thẳng và có sự đối đầu thực sự giữa quân đội và dân chúng thì sẽ có sự thay đổi trong môi trường chính trị ở Hoa Kỳ, cả ở quốc hội lẫn đối với công luận.”
Tổng thống Barack Obama đã hối thúc Hội đồng quân sự Ai Cập chấm dứt tình trạng khẩn cấp và ngưng các cuộc xét xử các thường dân.
Bạo động gây phương hại đến nhiều tỉ đôla viện trợ của Hoa Kỳ cho Ai Cập, theo nhận định của ông Steven Heydeman thuộc Viện Hòa Bình Hoa Kỳ.
Ông nhận định: “Chúng ta cần phải thường xuyên nhắc nhở Hội đồng Tối cao rằng họ đang nắm một vai trò chuyển tiếp, rằng họ chỉ ở trong vai trò tạm thời và không nên có hành động gì gây phương hại đến việc củng cố một hệ thống chính trị toàn bộ, dung chấp và dân chủ tại Ai Cập.”
Nhưng quá nhiều áp lực đối với Hội đồng quân sự có thể dẫn tới những hậu quả không định trước và phá hỏng quan hệ với Israel, theo một giới chức kỳ cựu thuộc Học Viện Potomac, ông Tawfik Hamid.
Ông Hamid nói: “Làm áp lực quân đội quá nhiều trong lúc này chung cuộc có thể đưa đến tình trạng ấy, và họ có thể sẽ phải đứng trước một nước Ai Cập do Hồi giáo kiểm soát.”
Những cuộc biểu tình mới nhất là những cuộc biểu tình đông đảo nhất diễn ra kể từ khi các cuộc biểu tình buộc cựu Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức hồi đầu năm nay.