S&P có thể tiếp tục đánh tụt hạng tín dụng của Mỹ

Sở giao dịch chứng khoán New York

Công ty đánh giá mức độ khả tín tín dụng vừa đưa Hoa Kỳ khỏi danh sách các quốc gia có độ khả tín hàng đầu thế giới cho biết, tín dụng của chính phủ Hoa Kỳ có thể tụt hạng hơn nữa. Từ Washington, thông tín viên VOA Michael Bowman tường thuật.

Vài ngày sau khi tuyên bố của Standard and Poor’s rằng Hoa Kỳ không còn xứng đáng với mức đánh giá mức tín dụng cao nhất là AAA chế ngự báo chí toàn cầu, ông John Chambers, Giám đốc Điều hành công ty này nói ông không thể loại trừ việc hạ thêm điểm tín nhiệm của Hoa Kỳ thêm một bậc nữa nếu tình trạng mất cân bằng tài chính ngày càng nghiêm trọng của Hoa Kỳ không cải thiện.

Ông Chambers nói: "Nếu tình trạng tài chính của Hoa Kỳ trầm trọng thêm, hoặc nếu thế bế tắc chính trị ngày càng trở nên nghiêm trọng, thì điểm tín nhiệm tín dụng của Mỹ sẽ bị hạ thấp một lần nữa."

Trả lời phỏng vấn trong chương trình ‘This Week’ của Đài ABC, ông Chambers dự báo khả năng hạ giảm mức đánh giá tín dụng của Hoa Kỳ ở mức 1 ăn 3. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia có khả năng giành lại mức đánh giá AAA nếu họ chứng tỏ năng lực khống chế tài chính trong vòng vài năm.

Khả năng hạ giảm thêm đánh giá tín dụng của Hoa Kỳ khiến các nhà đầu tư cổ phiếu vốn đầy lo âu thêm phần bất an.

Thậm chí trước cả khi Standard and Poor’s ra thông báo cuối hôm thứ Sáu tuần trước, các nhà đầu tư đã đổ xô bán tống bán tháo chứng khoán. Thị trường Hoa Kỳ và các nơi khác trải qua đợt mất điểm lớn nhất trong năm hồi tuần trước.

Nhưng theo ông David Beers, người đứng đầu đơn vị đánh giá nợ chính phủ của Standard and Poor’s, sự chao đảo trên thị trường không phải chỉ xuất phát từ các khó khăn tài chính của Hoa Kỳ, mà còn từ vấn đề khác.

Ông Beers nói: "Rất nhiều vấn đề khiến thị trường bất an xuất phát từ chuyện đang xảy ra ở châu Âu, cũng như xuất phát từ nhận thức trên bình diện kinh tế toàn cầu rằng nền kinh tế thế giới có thể đang chậm lại. Vì thế, tôi nghĩ rằng các thị trường phản ứng như vậy là vì nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ vì quyết định công bố hôm thứ Sáu của S&P."

Khoản nợ quốc gia của Hoa Kỳ hiện đứng ở mức 14,3 nghìn tỷ đôla, tổng số tích lũy thâm hụt ngân sách liên bang. Tuần trước, Tổng thống Obama ký thi hành một dự luật nâng mức giới hạn vay nợ liên bang và cắt giảm hơn 2 nghìn tỷ đôla thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm tới. Trong nhiều tháng thương thảo dẫn tới thỏa thuận này, các nhà đàm phán thuộc phe Cộng hòa và Dân chủ không thể đạt thỏa thuận về mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách tham vọng hơn là 4 nghìn tỷ đôla vì đảng Cộng hòa thẳng thừng phản đối bất kỳ sự tăng thuế nào, trong khi đảng Dân chủ lưỡng lự, không muốn buộc phải tiết kiệm trong các chương trình tốn kém, cung cấp nguồn thu nhập và chăm sóc y tế cho người về hưu.

Trong những tháng gần đây và ngay cả sau khi S&P hạ giảm mức đáng tin cậy về tín dụng dài hạn của Hoa Kỳ, tình trạng đổ lỗi cho nhau giữa hai đảng vẫn tiếp diễn ở Washington. Xuất hiện trên chương trình ‘Face the Nation’ của đài CBS, chiến lược gia chính trị hàng đầu của ông Obama là David Axelrod đổ lỗi cho phe Tea Party trong đảng Cộng hòa.

Ông Axelrod nhấn mạnh rằng một số thành viên của Tea Party trong Quốc hội không chịu ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào nhằm nâng mức trần nợ của Hoa Kỳ, thậm chí kể cả khi việc phản đối của họ khiến Hoa Kỳ rơi vào cảnh vỡ nợ.

Ông Axelrod nói: "Họ chơi trò chính trị với niềm tin và sự tín nhiệm của Hoa Kỳ. Về cơ bản, đây là sự hạ giảm tín dụng do Tea Party gây ra. Tea Party đưa chúng ta đến bờ vực vỡ nợ."

Nhưng dân biểu Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách tại Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát, lại không nghĩ như vậy. Xuất hiện trên chương trình Fox News Sunday, ông Ryan nhấn mạnh rằng Hạ viện đã thông qua một ngân sách có thể đã giảm thâm hụt nhân sách hơn 5.000 tỷ đôla trong vòng 10 năm tới, nhưng dự luật đó đã bị chặn tại Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát. Ông đổ lỗi cho tình trạng chi tiêu liên bang ngoài tầm kiểm soát đã khiến cho Hoa Kỳ bị hạ giảm về mức độ khả tín tín dụng.

Ông Ryan nói: "Đó là bởi vì Washington không thể kiểm soát tình trạng tài chính. Chúng tôi đã thông qua ngân sách."

Bằng việc hạ giảm mức đáng tin cậy dài hạn về tín dụng của Hoa Kỳ xuống một bậc, S&P cho thấy họ mất niềm tin vào khả năng của Hoa Kỳ trong việc đối đầu với các thách thức về tài chính, vì Washington đã cho thấy thiếu khả năng vượt qua thế bế tắc về tranh cãi đảng phái.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã cáo buộc S&P sử dụng thuật toán sai lầm trong đánh giá của mình, cho rằng công ty đã ước tính quá cao dự báo gia ăng mức nợ quốc gia Hoa Kỳ khoảng 2.000 tỷ đôla.