Quốc hội mới của Hoa Kỳ triệu tập phiên họp đầu tiên

Ðại biểu Quốc hội Hoa Kỳ khóa 112

Một Hạ viện do phe Cộng Hoa chiếm đa số giữ quyền kiểm soát đã nhóm họp hôm thứ Tư, hứa sẽ cắt giảm công chi và giảm bớt số nợ hàng ngàn tỉ đô la của quốc gia. Theo thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tường trình thì đảng Dân Chủ của Tổng thống Barack Obama vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng với một đa số ít hơn trước, khiến cho ngành lập pháp lại chia rẽ vào một lúc mà những bất đồng giữa hai đảng về cách thức làm sao để thúc đẩy quốc gia tiến tới rất sâu đậm.

Quốc hội lần thứ 112 của Hoa Kỳ có hàng chục khuôn mặt mới của đảng Cộng Hòa. Rất nhiều người đang sắp đặt văn phòng mới của họ tại quốc hội và đang học đường đi nước bước trong điện Capitol.

Nhiều nhà lập pháp mới của đảng Cộng Hòa coi kết quả cuộc bầu cử tháng 11 vừa rồi là một lời trách cứ của dân chúng đối với phương cách lèo lái nền kinh tế của Tổng thống Obama và là một bó buộc để phải giảm tầm cỡ và chi phí của chính phủ liên bang.

Thượng nghị sỹ Cộng Hòa nhiệm kỳ đầu đại diện cho bang Kentucky, ông Rand Paul, nói trên đài truyền hình CBS rằng ông sẽ không bỏ phiếu ủng hộ cho việc nâng giới hạn của số tiền chính phủ được quyền vay trừ phi cắt giảm thật nhiều công chi. Ông nói :

“Điều mà chúng tôi muốn là sẽ không buông xuôi và nói rằng thôi cứ làm những gì mà chính phủ cần làm như chuyện vẫn luôn xảy ra. Tất cả những nhân vật công cử mới vào quốc hội liên bang sẽ nhất quyết rằng nếu chúng ta tăng mức trần vay nợ lên thì nó phải được ràng buộc vào với điều kiện nào đó. Từ bây giờ trở đi, chúng tôi sẽ tìm cách cân bằng ngân sách.”

Chính quyền của Tổng thống Obama đã cảnh báo rằng nếu không nâng mức trần để chính phủ vay nợ thêm thì điều đó sẽ khiến chính phủ không trả được những khoản nợ bắt buộc và gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính đầy thảm họa.

Để cho thấy sự cam kết đối với trách nhiệm tài chính, các dân biểu Cộng Hòa cho biết hành động đầu tiên mà họ đưa ra là biểu quyết để hạ giảm bớt chi phí nhân viên của các văn phòng dân biểu.

Theo dự kiến trong tuần tới sẽ có cuộc biểu quyết về việc rút lại chương trình cải tổ y tế của Tổng thống Obama.

Chủ tịch Ủy Ban ngân Sách Hạ viện sắp đảm nhiệm chức vụ, dân biểu Paul Ryan thuộc bang Wisconsin, liên kết việc rút lại chương trình cải tổ ý tế với tình trạng thịnh vượng của quốc gia. Ông nói:

“Chuyện này có liên hệ tới công ăn việc làm và kinh tế. Luật cải tổ y tế làm cho mỗi cá nhân và các công ty thuê mướn người bị tăng thuế lên khủng khiếp khiến cho chúng ta sẽ mất đi nhiều việc làm.”

Dân biểu Ryan lên tiếng trong chương trình Today của đài truyền hình NBC sáng thứ Tư.

Cùng xuất hiện trong chương trình này là Thượng nghị sỹ Cộng Hòa John McCaine, cho rằng việc Hạ viện biểu quyết đòi rút lại luật cải tổ y tế của Tổng thống Obama là đáng làm nhưng phần lớn chỉ có tính cách tượng trưng vì Thượng Viện do đảng Dân Chủ còn giữ quyền kiểm soát sẽ không làm như vậy. Thượng nghị sĩ McCaine nói:

“Tôi cho rằng việc Hạ viện biểu quyết rút lại luật cải tổ y tế là điếu tốt, nhưng chúng ta cần tiếp tục tranh đấu.”

Tân Chủ tịch Hạ viện, Dân biểu Cộng Hòa John Boehner thuộc bang Ohio, đã thay thế nữ Dân biểu Nancy Pelosi của đảng Dân chủ đại diện bang California trong chức vụ này.

Bà Pelosi hứa sẽ tranh đấu đến cùng để duy trì điều mà bà coi là những chiến thắng khó khăn mới có được cho nhân dân Mỹ trong thời gian bà giữ chức vụ Chủ tịch Hạ viện:

“Khi mà chúng ta tiếp tục đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tạo công ăn việc làm, Hạ viện sẽ tiếp tục bảo vệ những thành quả mà chúng ta đã có được trong vấn đề cải tổ y tế và an toàn kinh tế cho nhân dân Hoa Kỳ.”

Thực sự tất cả những nhà lập pháp mới của đảng Cộng Hòa đã đắc cử vào Hạ viện nhờ lập trường trong cuộc vận động tranh cử chống lại điều mà họ coi là một lề thói chi tiêu hoang phí quá đáng của chính phủ có thể đưa đến phá sản và khiến cho người dân ngày càng phải chịu sưu cao thuế nặng và chính phủ bị nợ nần triền miên.

Những lời lẽ dân túy kiểu này không có dấu hiệu dịu bớt khi phiên họp Hạ viện được triệu tập vào hôm thứ Tư. Dân biểu Cộng Hòa đại diện bang Pennsylvania sắp nhận nhiệm sở, ông Mike Kelly, nói rằng ông sẽ tiếp xúc chặt chẽ với cử tri đã bầu cho ông, chứ không phải là những nhân vật trung gian quyền lực tại Washington. Ông nói:

“Bất cứ khi nào có thể, tôi sẽ trở lại đơn vị bầu cử của tôi. Tôi phải tiếp xúc chặt chẽ với người dân trong đơn vị bầu cử mà tôi đại diện, lấy ý kiến, nói chuyện với họ, những người mà tôi làm việc với họ.”

Đó là một lời hứa mà tất cả mọi chính trị gia thuộc tất cả mọi ý thức hệ và mọi đảng phái đã đưa ra từ nhiều thế kỷ nay.