Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ viếng thăm Miến Điện trong tuần này. Đây là chuyến viếng thăm Miến Điện đầu tiên của một Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong hơn 50 năm nay.
Bà Clinton lên đường đi Châu Á hôm thứ Hai, chặng dừng chân đầu tiên của bà là Nam Triều Tiên trước khi du hành tới Miến Điện. Chuyến viếng thăm quốc gia cô lập này của bà bắt đầu vào thứ Tư.
Trước đây trong tháng, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã loan báo rằng ông gởi bà Clinton tới Miến Điện để đáp ứng điều ông gọi là “những tiến bộ manh nha” của chính phủ Miến Điện, chấm dứt nhiều thập niên cai trị của chính phủ quân nhân hồi tháng Ba khi họ đưa ra một quốc hội dân sự.
Một trợ lý của Tổng thống Miến Điện nói với đài VOA rằng những diễn biến mới đây trong quan hệ ngoại giao có thể dẫn tới việc chấm dứt các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ áp dụng cho Miến Điện. Trợ lý của Tổng thống Miến Điện nêu lên các chuyến viếng thăm do giới chức của cả hai phía thực hiện.
Ông Obama đã kể tới các biện pháp do Miến Điện thực hiện để mở cuộc đối thoại với nhà lãnh đạo phe dân chủ đối lập Aung San Suu Kyi, việc phóng thích một số tù nhân chính trị và việc khai mở môi trường chính trị. Ông nói rằng nếu nước này tiếp tục đi theo con đường cải tổ dân chủ thì có thể hình thành một quan hệ mới với Washington. Nhưng ông cảnh báo rằng các biện pháp chế tài Miến Điện sẽ tiếp tục nếu nước này không chịu tiến theo con đường cải tổ.
Ông Obama nói Ngoại trưởng Clinton sẽ thăm dò xem Hoa Kỳ có thể làm gì để ủng hộ cho những tiến bộ trong các lãnh vực cải tổ chính trị, nhân quyền, và hòa giải quốc gia.
Hôm thứ Hai, một tổ chức cứu trợ có trụ sở ở Na Uy, tên là Đối Tác Cứu Trợ và Phát Triển, nói quân đội Miến Điện thường có hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như hãm hiếp và sát hại – nhắm vào những cộng đồng sắc tộc tại bang Kachin. Tổ chức này kêu gọi bà Clinton đề cập tới những cáo giác về vi phạm nhân quyền như vậy trong cuộc hội đàm với các giới chức Miến Điện.
Tổng thống Obama lưu ý rằng mặc dầu đã có những tiến bộ rõ ràng Miến Điện cần phải tiếp tục nỗ lực thêm nữa trên con đường cải tổ. Ông nêu lên mối quan tâm hiện nay về hệ thống chính trị khép kín của Miến Điện, cách đối xử của họ với các sắc tộc thiểu số, việc giam giữ các tù nhân chính trị và quan hệ của họ với Bắc Triều Tiên.