Các giới chức bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc mở lại đối thoại có thể được hiểu là quan hệ hai nước đã được ổn định trở lại sau nhiều tháng căng thẳng.
Đứng đầu đoàn Mỹ là ông Michael Posner, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. Phía Trung Quốc là ông Trần Húc, Tổng vụ trưởng phụ trách các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao.
Lẽ ra hai bên đã gặp hồi tháng Hai nhưng bên Trung Quốc dời lại vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Tổng thống Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley nói rằng đối thoại không nhằm lên lớp Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền nhưng nhằm giúp Trung Quốc hiểu tại sao các vấn đề này lại quan trọng cho Hoa Kỳ. Ông nói tiếp:
“Các vấn đề nhân quyền mà Hoa Kỳ mong thảo luận gồm những chuyện như tự do Internet, tiếp cận thông tin, quyền tài sản trí tuệ. Đó là những vấn đề cơ bản cho cuộc đối thoại này.”
Các tổ chức nhân quyền cho rằng các cuộc đối thoại sẽ không bổ ích nếu cuối cùng hai bên chỉ đồng ý là sẽ gặp nhau lại tại các cuộc đối thoại kế tiếp.
Ông Scott Flipse, Trưởng ban đặc trách châu Á của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, USCIRF, nhận định:
“Lập trường của USCIRF là tự do tôn giáo cần được mang ra bàn trong cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế, và cần phải tạo ra một chiến lược để áp dụng nhất quán trên khắp chính quyền Mỹ, để người Trung Quốc đừng hiểu rằng quan tâm của Hoa Kỳ về mặt nhân quyền dù sao cũng không liên quan gì đến tất cả các mặt quyền lợi khác.”
USCIRF, một cơ quan do Quốc hội Hoa Kỳ lập ra, vừa công bố phúc trình nói rằng Trung Quốc tiếp tục vi phạm “có hệ thống và trắng trợn” quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, vì đã có có một sự “xuống cấp rõ rệt” đối với người Phật giáo Tây Tạng và người Hồi giáo Uighur.
USCIRF còn đề xuất chính phủ Hoa Kỳ nên trừng phạt những người đầu tỉnh Trung Quốc đã vi phạm quyền tự do này.
Bà Sophie Richardson, Trưởng phòng châu Á của Human Rights Watch, nhận xét:
“Một trong những lý do nên tiếp tục đối thoại nhân quyền là vì chính quyền Trung Quốc không thích các cuộc đối thoại như vậy. Họ không ưa chuyện phải ngồi xuống để nói chuyện này mỗi năm một lần hay hai năm một lần. Dù các cuộc đối thoại không mang lại kết quả xây dựng và có ý nghĩa, chỉ riêng ngồi lại với nhau cũng đủ là lý do nên tiếp tục.”
Các cuộc đối thoại cũng là dịp để Trung Quốc tố giác những vi phạm nhân quyền của Hoa Kỳ.
Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố phúc trình nhân quyền thế giới hồi tháng 3, Trung Quốc tố giác Hoa Kỳ làm ngơ trước hiện tượng “leo thang” của những tội ác bạo động, những hành vi tàn bạo của cảnh sát, và hiện tượng chính phủ theo dõi người dân nhân danh chống khủng bố.
Các giới chức của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong tuần này tại Washington để nói chuyện về vấn đề nhân quyền. Thông tín viên VOA David Gollust cho biết các nhà hoạt động nhân quyền không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc đối thoại được mở lại sau hai năm không triệu tập.