Quan hệ Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á

  • William Ide

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell

Một viên chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong khi Hoa Kỳ tìm cách thiết đặt quan hệ sâu rộng tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ vẫn giao tiếp chặt chẽ với Trung Quốc như là một phần trong nỗ lực này. Thông tín viên Đài VOA William Ide tường trình thêm chi tiết từ Washington.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell nói một trong những điều quan trọng Hoa Kỳ đang mưu tìm trong năm nay, tại diễn dàn khu vực ASEAN cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là cho thấy Hoa Kỳ cam kết sâu rộng để làm việc với Trung Quốc.

Ông Campbell nói: “Chúng tôi muốn đánh tan bất cứ lo ngại nào tại Đông Nam Á là chúng tôi xem đây như là một nơi để cạnh tranh rộng rãi hơn, theo cách có thể làm mất ổn định và không giúp ích gì cho các nước bạn tại Đông Nam Á. Rõ ràng có một mức độ cạnh tranh trong bất cứ mối quan hệ nào, và giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng vậy, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo là chúng tôi làm việc với nhau trong một cách thức thích hợp tại Đông Nam Á.”

Sự can dự của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á là trọng tâm của bài nói chuyện của ông Campbell hôm thứ Ba tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington D.C.

Trong khi Hoa Kỳ làm việc để tìm những điểm chung với Trung Quốc, nền kinh tế lớn hàng thứ hai trên thế giới và là một cường quốc quân sự đang lên tại châu Á-Thái Bình Dương, ông Campbell nói Washington sẽ tìm cách nêu rõ những gì mà cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Kinh đều theo đuổi và tìm những dự án cụ thể mà cả hai nước có thể làm việc với nhau trong khu vực này.

Các nhà phân tích nói Hoa Kỳ đang gia tăng sự giao tiếp trong vùng để chống lại ảnh hưởng ngày càng mạnh về kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Trung Quốc bất bình vào năm ngoái khi Hoa Kỳ lên tiếng quan tâm đến việc giúp đưa đến một giải pháp ôn hòa cho những vụ tranh chấp tại vùng biển phía nam Trung Quốc.

Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền trên một phần hay toàn bộ vùng biển phía Nam Trung Quốc nơi có trữ lượng dồi dào về dầu hỏa và khí đốt. Trung Quốc cho rằng vấn đề này nên được giải quyết song phương.

Khi được hỏi về diễn biến mới nhất xảy ra giữa một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam và một tàu của hải quân Trung Quốc, ông Campbel không đưa ra bất cứ nhận xét trực tiếp nào nhưng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại để giải quyết những tranh chấp như vậy.

Ông Campbell nói: “Chính sách tổng quát của chúng tôi vẫn như cũ, chúng tôi không khuyến khích việc dùng vũ lực hay đe dọa trong những trường hợp như thế và chúng tôi muốn thấy xuất hiện tiến trình đối thoại. Chúng tôi liên kết rất chặt chẽ và trong riêng tư với nhiều quốc gia có liên hệ đến vùng biển ở phía Nam Trung Quốc và chúng tôi muốn tiếp tục tiến tới như thế.”

Việt Nam nói tàu của họ hoạt động hoàn toàn trong giới hạn của vùng đặc quyền kinh tế 370 kilômét khi 3 tàu của hải quân Trung Quốc tiến sát đến gần. Việt Nam nói một trong 3 tàu Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò của tàu Việt Nam và đe dọa dùng vũ lực để buộc tàu Việt Nam ra khỏi vùng này.

Ông Campbell nói kể từ khi lên nắm quyền cách đây hai năm, Tổng thống Barack Obama và ngoại trưởng Hillary Clinton nỗ lực để tăng cường quan hệ của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Vào năm 2009, Tổng thống Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên họp với tất cả 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á hay còn gọi là ASEAN.

Ông Campbell nói Ngoại trưởng Clinton đã đến châu Á 7 lần và một số chuyến đi này là đến Đông Nam Á. Bà Clinton hy vọng sẽ đi thăm tất cả các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian bà tại chức.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng những gì quý vị thấy trong khoảng thời gian hai năm rưỡi vừa qua là lúc khởi đầu của tiến trình đó. Tôi nói khởi đầu vì để có thể thành công, đặc biệt là tại vùng Đông Nam Á, tiếp tục nỗ lực đó sẽ là điều quan trọng.”

Một hành động quan trọng để tiếp tục nỗ lực đó đối với Hoa Kỳ là tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng 11 này tại Bali, Indonesia lần đầu tiên. Ông Campbell nói rằng, cả Tổng thống Obama lẫn Ngoại trưởng Clinton đều cảm thấy phương cách Hoa Kỳ tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á là quan trọng.

Ông nói: “Điều hết sức quan trọng đối với Hoa Kỳ là thành công. Hoa Kỳ tới, nghe, và tham gia vào lề lối đã được thiết lập, và rằng Hoa Kỳ ý thức được vai trò của Hoa Kỳ là nước mới tới.”

Ông nói Hoa Kỳ sẽ tới Hội nghị thượng đỉnh Đông Á chuẩn bị tương tác với các thành viên trong một chương trình làm việc hiện có cũng như là tìm một vài lãnh vực mà Washington có thể thực hiện một vài “đóng góp khiêm tốn.”

Ông nói một lãnh vực mà Hoa Kỳ có thể đóng góp là trợ giúp thiên tai.

Tại nhiều điểm trong bài diễn văn này, ông Campbell nhấn mạnh tới vai trò quan trọng mà khối ASEAN đang nắm giữ và có thể thực hiện trong vùng.

Ông cho biết: “Khối này đã trở thành một định chế quan trọng. Nó đã can dự vào một số vấn đề khó khăn và đầy thách thức nhất mà Châu Á phải đối đầu trong nhiều năm qua, cấm phổ biến võ khí hạt nhân, những thách thức liên quan tới Miến Điện, những vấn đề liên quan tới phương cách tốt nhất để cổ võ đối thoại trong các lãnh vực xoay quanh vấn đề an ninh hải dương và những vấn đề đại loại như vậy.”

Ông nói rằng, tuy nhiên, một lãnh vực ASEAN có thể đóng góp thêm là làm sao để các diễn đàn như ASEAN tìm cách giúp giải quyết những vấn đề tại vùng Đông Bắc Á và sự cần thiết phải can dự và tham gia nhiều hơn vào những vấn đề như vậy.

Ông Campbell nói rằng, nói chung mục đích của Hoa Kỳ trong khu vực là cam kết bảo đảm sự hiện diện mạnh và bền vững tại vùng này, không phải chỉ ở Bắc Á, mà còn ngày càng gia tăng đối với vùng Đông Nam Á nữa.

Ông Campbell nói thêm rằng một số chi tiết về cam kết đó sẽ được phác họa khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates tham dự hội nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng các nước trong vùng, tại Cuộc Đối Thoại Shangri-La, ở Singapore, trong tuần này.

http://www.youtube.com/embed/bY86jxH158c