Bản phúc trình của Liên hiệp quốc dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải vào năm 2011 và 2012 trong khoảng từ 3% đến 3,5%. Bản phúc trình này nói mức tăng trưởng này quá thấp để có thể phục hồi lại sau tình trạng mất công ăn việc làm do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra.
Kinh tế gia thuộc bộ phận Sách lược Toàn cầu hóa và Phát triển của UNCTAD, ông Alfredo Calcagno, nói rằng các nước phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 2% và tình trạng này sẽ kéo chậm nền kinh tế thế giới.
Ông Calcagno nói: “Vì sao mà các nền kinh tế đã phát triển lại tăng trưởng chậm như thế, chủ yếu là bởi tình trạng thất nghiệp kéo dài và mức lương thấp phối hợp với việc thu hồi quá sớm các kế hoạch kích hoạt tài chính. Bản phúc trình nhấn mạnh rằng một trong các vấn đề chính hiện tại, và nhất là trong các nền kinh tế phát triển là tình trạng thất nghiệp. Công ăn việc làm đã bị tiêu hủy trong cuộc khủng hoảng vào các năm 2008 và 2009 sẽ phải mất nhiều năm mới hồi phục được.”
Bản phúc trình nhận thấy Hoa Kỳ đang hồi lại sau cuộc suy thoái trầm trọng và kéo dài nhất từ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, phúc trình nói tiến độ hồi phục đã yếu nhất trong kinh nghiệm hậu suy thoái của nước này.
Bản phúc trình nêu ra rằng Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng ở mức chưa tới 3%, chưa đủ để hàn gắn lại chỗ sứt mẻ trong tỷ lệ thất nghiệp. Phúc trình dự đoán việc hồi phục công ăn việc làm bị mất đi trong cuộc khủng hoảng sẽ phải mất ít nhất 4 năm nữa.
Trước tình trạng đen tối như thế, giám đốc Bộ phận Sách lược toàn cầu hóa và phát triển UNCTAD, ông Heiner Flassbeck nói rằng triển vọng tăng trưởng của châu Âu và Nhật Bản còn u ám hơn.
Ông nói triển vọng kinh tế rất bất định và các rủi ro rơi trở lại vào tình trạng trì trệ rất cao.
Ông Flassbeck nói: “Ba khu vực lớn - Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chưa khắc phục đầy đủ được các khó khăn. Và trong tình hình họ đang rút lại chính sách kích hoạt, có một nguy cơ lớn là sự phục hồi sẽ bị khựng lại trong năm nay. Và như thế câu hỏi cần nêu ra là ‘Vậy các biện pháp nào là sẵn sàng để tái khởi đồng nền kinh tế nếu xảy ra tình trạng này bởi vì sự phục hồi không bền vững và tự túc?”
Ông Flassbeck cho rằng sẽ tìm thấy một vài điểm sáng tại châu Á, chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng ngay ở đó, ông nói các điểm sáng cũng đang lu mờ dần. Ông cảnh báo những nước vừa nêu sẽ không có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới ra khỏi tình trạng trì trệ mới.
Bản phúc trình nói rằng tăng trưởng ở châu Mỹ Latin dự kiến sẽ vẫn tương đối mạnh ở mức khoảng 4%. Bản phúc trình nhận thấy phục hồi kinh tế vững chắc ở hầu hết châu Phi, và nêu ra rằng sức bật trở lại dự kiến sẽ lên tới khoảng 5% vào năm 2011 và 2012.
Một báo cáo của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển nói rằng sự hồi phục của nền kinh tế thế giới tiếp tục mất đà và sự kiện này sẽ dẫn đến tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu hơn trên toàn cầu. Từ Geneve, nơi bản phúc trình được công bố, thông tín viên VOA Lisa Schlein tường thuật rằng bản phúc trình về “Tình hình Kinh tế Thế giới và Triển vọng cho năm 2011” nêu bật thất nghiệp là một vấn đề chính.